Nghi vấn đình, chùa thôn Cựu Quán từng mất nhiều gỗ sưa

06/03/2014 20:55 GMT+7

(TNO) Người dân thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội khẳng định, từng có không ít gỗ sưa ở đình, chùa thôn này bị dỡ đem bán chứ không chỉ có vụ dỡ trộm gỗ sưa ở mái đình Cựu Quán đem bán tối 2.2 vừa qua.

>> Dỡ gỗ sưa đình làng đem bán

 gỗ sưa
Hiện trường vụ dỡ gỗ sưa ở mái đình thôn Cựu Quán đem bán - Ảnh: Lê Quân

Ông Trần Văn Tự, Phó trưởng thôn Cựu Quán cho biết, đình thôn Cựu Quán mới được tu sửa lại năm 1996, đến nay đã phát hiện ít nhất 2 vụ mất gỗ sưa.

“Lần trước, khoảng đầu năm 2013, Ban khánh tiết của đình có thông báo mất một số gỗ sưa trong đình nhưng không ai lập biên bản. Người dân chỉ biết ngấm ngầm xót xa gỗ quý bị kẻ gian đánh cắp. Đến lần này thì người dân bắt gặp quả tang, 6 ông đều có chức sắc trong thôn, bao gồm 3 ông trong Ban khánh tiết, 1 ông từ trông đình, 1 Bí thư đảng ủy thôn và 1 ông trưởng thôn trực tiếp đứng ra bán gỗ cho nhà sư Thích Diệu Bản, nguyên trụ trì chùa làng Cựu Quán. Thôn tôi liên tục 3 lần được nhận bằng văn hóa, những người dấm dúi bán đồ quý của đình lại chính là được dân tin tưởng, giao phó. Thật quá đau xót”, ông Tự thổn thức.

Ông Tự kể, những người chứng kiến việc bán gỗ quý trong đình làng diễn ra rất nhanh vào lúc trời nhá nhem tối. “Việc cân gỗ, nhận tiền rồi khiêng ra ô tô chở đi rất chóng vánh. Hôm đấy, chắc vì nể sư bà Thích Diệu Bản, từng trụ trì chùa Cựu Quán, bỏ công sức kiến thiết chùa nên những người chứng kiến là bà Nguyễn Thị Trọng và ông Nguyễn Đình Bảo không tri hô làm lớn chuyện chứ lẽ ra phải hô hoán để người dân tập trung giữ lại gỗ quý của ngôi đình”, ông Tự nói.

 gỗ sưa
Ông Trần Văn Tự, Phó trưởng thôn Cựu Quán cho biết, đình thôn này đã từng mất gỗ sưa - Ảnh: Lê Quân

Phó trưởng thôn Cựu Quán cũng kể thêm, sau khi vụ việc vỡ lở, 6 chức sắc trong thôn đứng ra bán gỗ mới cho biết, đã có chủ trương bán gỗ để lấy tiền mua mảnh ruộng trước cửa đình để mở rộng khuôn viên đình của thôn. Số còn lại sẽ để dành tu sửa thêm vào đình.

Nhiều người dân đặt nghi vấn, nếu có ý tốt như vậy, sao không công khai, lấy ý kiến dân cho minh bạch. “Khi bị tôi và ông Bảo phát hiện, ông Thắng là người trông đình còn chìa cho chúng tôi xem biên bản thống nhất bán gỗ sưa trong đình nhưng chỉ có chữ ký của 6 ông ấy. Lẽ ra, việc này phải xin ý kiến của người dân mới được làm”, bà Nguyễn Thị Trọng, nhân chứng vụ việc nói.

Trong khi đó, nhiều người dân khác cũng cho biết thêm, ngôi đình, chùa thôn Cựu Quán trước đây có rất nhiều gỗ sưa nhưng đã bị mất dần. Bà Trần Thị Thi (88 tuổi) và ông Vũ Quang Lương (69 tuổi), là những người dân nơi đây khẳng định, việc bán gỗ sưa ở đình, chùa thôn Cựu Quán từng xảy ra nhiều lần chứ không chỉ có vụ việc tối 2.2.

“Lần trước, cách đây ít lâu, cũng là mấy ông trong Ban khánh tiết đứng ra bán gỗ sưa trong đình làng. Đến lúc dân thắc mắc mới họp lại để công bố bán được 3 tỉ 150 triệu đồng. Lần ấy, dân thôn chúng tôi không được biết là bán bao nhiêu cân, cân thế nào, bán cho ai. Các ông ấy chỉ thông báo là bán thanh lý gỗ sưa để lấy tiền xây dựng trong chùa. Dù vậy, thực tế việc xây dựng này không có hợp đồng, kế toán gì, chỉ tự mấy người họ gọi thợ làm. Xong việc cũng không công bố số tiền còn lại là bao nhiêu, ai đang giữ. Lần này vỡ lở ra, chúng tôi đề nghị đưa ra pháp luật xử lý nghiêm”, ông Vũ Quang Lương bức xúc.

 gỗ sưa
Nhiều người cho biết, trước khi xây dựng ngôi chùa mới của thôn Cựu Quán khang trang như thế này, chùa cũ có khá nhiều gỗ sưa - Ảnh: Lê Quân

Ông Trần Đức Thảo, Trưởng công an xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội xác nhận, vài năm gần đây, chùa thôn Cựu Quán được kiến thiết khang trang là nhờ công của nhà sư Thích Diệu Bản.

“Nhưng hồi phá toàn bộ chùa cũ để xây chùa mới, không ai biết bao nhiêu gỗ sưa đã bị bán đi. Tại biên bản bán gỗ sưa của đình hôm vừa rồi có ghi là bán gỗ sưa lần 2, vậy có thể trước đây đã có lần đình hoặc chùa Cựu Quán bị mất gỗ quý”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho hay, số tiền bán gỗ sưa tối 2.2 là 1,2 tỉ đồng, hiện đã thu hồi được 500 triệu đồng. Số còn lại, những người bán gỗ khai đã trả tiền cho gia đình bán ruộng cho đình nên chưa thu hồi được.

Theo ông Thảo, hiện nay, dư luận trong làng đang rất bức xúc về vụ lén dỡ gỗ sưa trên mái đình xuống bán. “Đa số người dân rất bức xúc, đặc biệt là lớp thanh niên. Nhiều người liên tục kéo ra đình tụ tập đòi chính quyền phải tích cực giải quyết, trả lại gỗ quý cho dân. Chúng tôi đã cắt cử người ngày đêm bảo vệ hiện trường. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền, vận động để xoa dịu dư luận trong làng, tránh căng thẳng”, ông Thảo nói.

Ông này cũng cho hay, ngày 4.3, Hội người cao tuổi trong thôn đã có đơn đề nghị bầu lại Ban khánh tiết, ông từ trông đình Cựu Quán. Mặt khác, đề nghị xử lý về mặt đảng, chính quyền đối với những người bán gỗ. Nhiều người dân đã ký vào lá đơn này gửi lên UBND xã.

Phó trưởng thôn Cựu Quán cũng cho biết thêm, sắp tới thôn sẽ họp dân để quyết định phế bỏ Ban khánh tiết hiện nay, miễn nhiệm ông từ trông đình để giao cho người khác. Ông Tự cho biết, đến nay, những người bán gỗ đã đưa ra lời xin lỗi khi họp đảng bộ thôn nhưng chưa công khai xin lỗi dân.

 Kiều Trinh – Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.