Nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM: 'Người dân nên mua gạo có thương hiệu'

01/10/2015 14:41 GMT+7

(TNO) Trước thông tin về nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM, ngày 1.10, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người tiêu dùng nên mua gạo có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng.

(TNO) Trước thông tin về nghi vấn gạo nhựa xuất hiện ở TP.HCM, ngày 1.10, ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người tiêu dùng nên mua gạo có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng.

Lô gạo nghi có pha lẫn nhựa - Ảnh: Trung HiếuLô gạo nghi có pha lẫn nhựa - Ảnh: Trung Hiếu

Theo ông Dư, hiện nay Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đang phối hợp rất chặt chẽ trong sản xuất theo quy trình an toàn của các loại nông sản trong đó có lúa gạo. Bên cạnh đó, Bộ Công thương hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng gạo có thương hiệu, mẫu mã tốt, có nguồn gốc hiện bán rất nhiều trên thị trường

“Về mặt sản xuất, hiện Cục Trồng trọt có đầy đủ hồ sơ về giống lúa gạo, nếu có vấn đề gì sẽ truy xuất nguồn gốc ra ngay. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn lựa gạo có nguồn gốc, đầy đủ nhãn mác, điện thoại ghi trên bao bì”, ông Dư khuyến cáo.

Liên quan đến mẫu gạo nghi có pha lẫn nhựa, ông Dư cho biết đây chắc chắn là mẫu gạo thật. Tuy nhiên, có thể trong quá trình chế biến, thương lái pha trộn hay xử lý chất bảo quản không đúng, hoặc khi sắp thu hoạch, người trồng phun thuốc một số chất kích thích sinh trưởng khiến gạo có hiện tượng rang cháy bốc mùi khó chịu và kết tủa.

“Cũng có khả năng thương lái pha trộn với gạo tốt với gạo xấu vì nhìn bề ngoài hạt gạo không đều và có nhiều kích thước. Tất nhiên nếu biết rõ cần phải đưa tới các phòng kiểm định để phân tích. Vấn đề này giờ đang nóng, nếu làm không khéo người nông dân và tiêu dùng hoang mang”, ông Dư nói.

Gạo rang lên có mùi khét khó chịu và vón cục - Ảnh: Trung Hiếu

Liên quan đến vấn đề kiểm định mẫu, ông Hà Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương, cho hay muốn biết chính xác thì phải gửi mẫu gạo về trung tâm ở Hà Nội, để phòng thí nghiệm phân tích rồi mới trả lời được. Chứ việc người dân rang lên rồi nghi gạo nhựa cũng chưa có cơ sở và căn cứ.

Chiều 30.9, PV Thanh Niên Online đã đưa mẫu gạo đến chi nhánh phía nam của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương để kiểm định nhưng rất tiếc phòng kiểm nghiệm nơi đây chưa có hệ thống máy để phân tích.

Theo ông Dũng, muốn trả lời gạo thật, gạo giả thì phải phân tích. Việc phân tích để tìm ra một số chỉ tiêu đặc thù để chứng minh đó là gạo. Ông Dũng khẳng định Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương có đầy đủ hệ thống máy và sẽ phân tích ra.

“Cơ quan chuyên môn phải làm thực tế, chứ không thể đồn đoán bậy bạ được. Năm 2012 cũng rộ lên thông tin gạo nhựa, Bộ NN&PTNT giao trung tâm phân tích một số mẫu gạo. Kết quả cuối cùng không phải gạo nhựa”, ông Dũng nói.

Dĩa bên trái là dĩa gạo rang bị vón cục, trong khi gạo bình thường (dĩa bên phải) rang lên có mùi thơm của gạo và không vón cục - Ảnh: Trung Hiếu

Liên quan đến vấn đề này ông Trần Ngọc Thạch, Viện phó Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho hay nghe mô tả thì rất kỳ lạ vì nếu là gạo thiệt thì khi rang lên không thể có mùi khó chịu và vón cục được.

“Gạo thật khi rang lên có thể cháy đen nhưng có mùi thơm và không vón cục. Nếu được, anh nên gửi mẫu xuống để Viện phân tích. Việc phân tích để biết hàm lượng amilo, tinh bột bao nhiêu %, rồi kích thước hạt gạo, chỉ tiêu sinh lý…”, ông Thạch nói.

Trong hôm nay 1.10, PV Thanh Niên Online đã gửi mẫu gạo cho hai cơ quan trên. Kết quả phân tích sẽ có sau vài ngày.

Ở một diễn biến khác, chị Ngô Hoàng Phương Đông, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), người phản ánh số gạo nghi pha nhựa, cho biết sau khi sự việc xảy ra chưa có cơ quan chức năng nào liên hệ với chị để làm rõ vụ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.