Nghi vấn giấy phép hoạt động của trung tâm Anh ngữ bị tố bỏ bê học viên

27/05/2022 06:05 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh bức xúc của phụ huynh về việc đóng tiền nguyên năm tại Trung tâm Anh ngữ Bắc Mỹ (chi nhánh Q.Tân Phú, TP.HCM) nhưng sau đó bị bỏ bê, đại diện của trung tâm này đã có phản hồi.

Trung tâm đổ lỗi khó khăn do dịch

Chiều 26.5, ông Nguyễn Phước Tới, Tổng giám đốc Trung tâm Anh ngữ Bắc Mỹ, phản hồi với Thanh Niên về việc bị phụ huynh (PH) tố trung tâm bỏ bê học viên và giáo viên (GV) tố nợ lương.

Ông Tới cho biết: “Quả thực 2 năm qua dịch Covid-19 khiến cho trung tâm chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn. Trung tâm mở lại vào tháng 2 nhưng thời điểm sau dịch này GV nghỉ việc gần hết nên chúng tôi phải tuyển GV mới, từng bước mở lại các lớp học. Trung tâm cũng cố gắng sắp xếp từ từ. Có một số học viên được xếp lớp nhưng không chịu học với GV mới nên PH bức xúc. Với những PH không hài lòng, chúng tôi cũng sẽ cố gắng giải quyết hoàn tiền mặc dù ban đầu đã thỏa thuận không trả lại học phí. Tuy nhiên cũng phải theo quy trình chứ không thể nói hoàn tiền là có thể hoàn ngay”.

Trung tâm Anh ngữ Bắc Mỹ trên đường Hòa Bình, Q.11

MỸ QUYÊN

Lý giải về việc PH không được thông báo về kế hoạch mở lại lớp sau dịch, gọi điện tới trung tâm không ai nghe máy, khi PH liên lạc được với bà Huỳnh Thị Kim Nga, trưởng nhóm kinh doanh, thì hẹn lần lữa mãi không giải quyết, ông Tới cho hay: “Do sau khi mở lại, trung tâm đổi số tổng đài với mục đích chăm sóc tốt hơn cho người học nhưng chưa kịp thông tin nên bị PH hiểu lầm. Chúng tôi không nhắn tin mà gọi điện tới từng PH để thông báo về kế hoạch mở lại lớp, chỉ có một vài trường hợp do sơ suất của nhân viên nên không liên lạc”.

Về việc dồn các học viên trình độ khác nhau vào một lớp, ông Tới giải thích đó là thời điểm ôn tập miễn phí 2 tuần sau dịch, chỉ có một số trường hợp là xếp không đúng lớp.

Tuy nhiên, các PH khẳng định không hề có nhân viên nào liên lạc về việc học lại sau dịch mà chính PH phải chủ động gọi điện rất nhiều lần. “Nếu trung tâm có trách nhiệm với người học thì phải chủ động liên lạc, đổi số tổng đài phải thông báo. Họ lần lữa, hẹn giải quyết xếp lớp rất nhiều lần, phải làm dữ mới được xếp chung vào lớp có trình độ khác, và việc ôn tập miễn phí diễn ra được 1 tuần thì họ xếp lớp học chính thức và cho con tôi vào lớp trình độ cao hơn khiến con về khóc vì học không hiểu gì. Không chấp nhận, tôi đòi hoàn tiền thì họ hứa hẹn rất nhiều lần và từ lâu rồi vẫn tiếp tục hứa hẹn”, chị Lâm Thị Hương, PH có con học tại chi nhánh trung tâm ở đường Lê Khôi, Q.Tân Phú, chia sẻ.

Giấy phép hoạt động giáo dục năm 2018 của trung tâm

Về vấn đề nợ lương GV và nhân viên, ông Tới cho biết do dịch quá khó khăn nên đã không thể trả lương đúng hạn. “Đến nay trung tâm đã trả nợ lương dứt điểm cho các nhân viên, chỉ còn một số GV chúng tôi vẫn chưa giải quyết xong nhưng đã liên lạc để thương lượng”, ông Tới nói.

Trưng giấy phép hoạt động không đúng quy định ?

Về việc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định trung tâm thành lập năm 2017 với 6 chi nhánh tại các quận nhưng chưa chi nhánh nào có giấy phép hoạt động giáo dục, ông Tới khẳng định trung tâm được thành lập từ năm 2004, đến nay đã đổi tên mấy lần và có giấy phép hoạt động đầy đủ. Ông Tới cho chúng tôi xem giấy phép dạy học do Sở GD-ĐT TP.HCM cấp vào ngày 13.11.2013, lúc đó trung tâm có tên gọi là Doanh nghiệp tư nhân đào tạo ngoại ngữ Bắc Mỹ tại 285 đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, được lồng vào khung kính. Tuy nhiên, phía trên giấy phép ghi “TP.HCM ngày 13.11.2013” nhưng phía dưới phần có chữ ký của giám đốc Sở GD-ĐT lại ghi “TP.HCM ngày 30.11.2018”.

Ông Tới tiếp tục gửi file ảnh một giấy phép hoạt động giáo dục do Sở GD-ĐT TP.HCM cấp ngày 22.1.2018 (sau khi có giấy phép thành lập trung tâm), cho phép trung tâm này dạy chương trình tiếng Anh thiếu nhi, thiếu niên, thực hành, luyện thi TOEIC, TOEFL, IELTS, TESOL, TKT tại Nguyễn Văn Trỗi, P.10, Q.Phú Nhuận; chi nhánh 1 tại Hòa Bình, P.5, Q.11; chi nhánh 2 tại đường 3 Tháng 2, Q.11; chi nhánh 3 tại đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú; chi nhánh 4 đường Lê Khôi, Q.Tân Phú và chi nhánh 5 đường Quang Trung, Q.Gò Vấp với hiệu lực 5 năm.

Giấy phép dạy học trên ghi là năm 2013, dưới ghi năm 2018 và Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng đây là giấy làm lậu

“Vì giấy phép vẫn còn hạn nên sau dịch chúng tôi tiếp tục hoạt động mà chưa kịp làm theo hướng dẫn mới của sở”, ông Tới nói thêm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định giấy phép năm 2013 mà đại diện Trung tâm Anh ngữ Bắc Mỹ đưa ra không có giá trị vì nhìn là biết bị làm lậu.

Một cựu cán bộ của Sở GD-ĐT TP cho hay mẫu giấy phép năm 2013 chưa thấy bao giờ. Còn giấy phép 2018 thì chữ ký, thể thức văn bản là đúng.

Theo ông Minh, sau khi báo Thanh Niên phản ánh về Trung tâm Anh ngữ Bắc Mỹ, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập của Sở là nơi quản lý nhà nước, sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động các trung tâm ngoại ngữ cũng được phân quyền về cho UBND quận, huyện. Cụ thể phòng giáo dục, phường phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị trên địa bàn mình. “Một trung tâm hoạt động chưa đúng quy định tại địa bàn mình thì phòng giáo dục phải nắm rõ, UBND phải có trách nhiệm vào cuộc. Khi địa phương yêu cầu sở ngưng cấp phép, ngưng hoạt động thì lúc đó Sở sẽ xem xét thủ tục liên quan đến việc ngưng cấp phép, ngưng hoạt động”, ông Minh cho biết.

Phụ huynh cần làm gì ?

Ông Hồ Tấn Minh cho biết trên trang web của Sở GD-ĐT đã công khai cụ thể danh sách các trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM với các thông tin về thời gian thành lập, địa điểm được cấp phép, đơn vị nào đã đăng ký hoạt động giáo dục, đơn vị nào chưa. “Chính vì thế, trước khi đăng ký học cho con, PH nên tìm hiểu thông tin chính thống trên trang web của Sở ở mục dịch vụ giáo dục, đồng thời cần tới tận nơi tìm hiểu thực tế”.

Về việc trung tâm thu học phí nhưng không xếp lớp hoặc không hoàn trả khi PH yêu cầu, ông Minh cho rằng đây là vấn đề dân sự giữa PH và trung tâm. “Sở GD-ĐT chỉ quản lý về mặt chuyên môn và giấy phép hoạt động, vì thế, để được giải quyết vấn đề học phí, PH có thể trực tiếp yêu cầu trung tâm hoàn trả hoặc làm đơn kiến nghị lên địa phương”, ông Minh cho hay.

Nhiều trường hợp bị tố thu tiền nhưng không mở lại lớp

Trước đó, nhiều trung tâm ngoại ngữ cũng từng bị học viên tố vì thu tiền nhưng không mở lớp, nợ lương GV. Chẳng hạn vào tháng 9.2021, một PH phản ánh với báo chí chị cho 2 con theo học tại Trung tâm ngoại ngữ SAS chi nhánh Trần Thị Nghỉ, Q.Gò Vấp (TP.HCM) vào giữa năm 2020, đến tháng 3.2021 sau khi kết thúc khóa đầu tiên, đóng 16 triệu đồng để con tiếp tục học. Khi dịch bùng phát, phía trung tâm tổ chức dạy trực tuyến, PH cũng không thể liên lạc. Một học viên khác nộp 25 triệu đồng học phí cho 2 người học khóa giao tiếp tiếng Anh cơ bản vào tháng 3.2021, sau đó nghỉ do dịch mà không hề liên lạc, fanpage của trung tâm cũng bị đổi tên và xóa hết thông tin, nhân viên tư vấn khóa học hủy kết bạn khiến học viên này không thể liên lạc... Nhiều GV của trung tâm này cũng bức xúc vì bị nợ lương.

Tháng 8.2020, nhiều học viên đã đóng tiền khóa học IELTS cũng hoang mang khi bỗng nhiên các cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Quốc tế EAGLE CORP ở TP.HCM đột ngột đóng cửa, tạm ngừng đào tạo tập trung vì lý do dịch Covid-19 dù thời điểm đó thành phố không có lệnh cách ly. Trung tâm nhắn cho học viên về việc chuyển sang học trực tuyến với lịch học được thông báo sau, nhưng khi học viên gọi đến các số đã liên hệ để thắc mắc thì không ai bắt máy. Khi đi đến tất cả các cơ sở thì phát hiện trung tâm đã đóng cửa trả mặt bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.