Nghi vấn nghị sĩ New Zealand gốc Hoa là gián điệp

13/09/2017 15:22 GMT+7

Cơ quan tình báo an ninh quốc gia New Zealand (SIS) đang điều tra một nghị sĩ gốc Hoa từng học và làm việc tại cơ sở đào tạo hàng đầu dành cho giới tình báo quân sự Trung Quốc.

Theo thông tin độc quyền của tờ Financial Times ngày 13.9, người bị điều tra là ông Dương Kiện, 55 tuổi, nghị sĩ của đảng Quốc gia New Zealand cầm quyền. Ông được bầu vào quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011.
Ông Dương sinh ra và lớn lên tại miền nam Trung Quốc, sau đó lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc. Đến năm 1999, ông trở thành giảng viên cao cấp ngành Chính trị học tại Đại học Auckland (New Zealand), theo tờ New Zealand Herald. Mặc dù tới năm 32 tuổi mới rời Trung Quốc nhưng hầu như không có thông tin gì về giáo dục cũng như quân sự trong lý lịch khoa học của ông Dương tại trường Đại học Aucklands.
Ông từng là học viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện kỹ thuật không quân của quân đội Trung Quốc (PLA) vào năm 1978. Sau khi tốt nghiệp ông ở lại giảng dạy tại trường. Theo tờ Financial Times dẫn lời ông Peter Mattis, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Quỹ Jamestown (Mỹ) nhận định: “Tôi cho rằng ai đó dạy tại trường trên đều phải là một thành viên của PLA và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Sau khi rời Học viện kỹ thuật không quân, ông Dương còn học tại Viện ngoại ngữ Lạc Dương - một cơ sở đào tạo hàng đầu dành cho giới tình báo quân sự Trung Quốc. Theo ông Mattis, những người từng tới trường này đều là nhân viên tình báo quân sự hoặc ít nhất có liên quan đến hệ thống đó.
Trong một bài phỏng vấn bằng tiếng Hoa với tờ Financial Times, ông Dương thừa nhận từng đào tạo và làm việc tại hai cơ sở nói trên, nhưng yêu cầu báo chí không đăng tải thông tin này với lý do “không cần phải viết quá nhiều về thông tin cá nhân”.
Sau khi tốt nghiệp ở Lạc Dương, ông còn học tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ Hopkins – Nam Kinh từ năm 1988 đến năm 1989. Trong giai đoạn này, đa số du học sinh Trung Quốc đều là sĩ quan tình báo quân đội hoặc đặc vụ Trung Quốc, theo 3 nguồn tin tình báo phương Tây.
Theo tờ Financial Times, với lý lịch của ông Dương, phải có sự đồng ý của chính quyền và quân đội Trung Quốc thì ông mới có thể ra nước ngoài sống như vậy.
Kể từ khi được bầu làm nghị sĩ, ông Dương luôn thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Ông từng là đại diện của New Zealand trong các chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, đồng thời tham gia nhiều cuộc họp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.
Ông Dương khẳng định mình luôn trung thành với đất nước New Zealand, và nhấn mạnh rằng những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo nói trên là "một chiến dịch bôi nhọ". Chủ tịch đảng Quốc gia, ông Peter Goodfellow thì nói rằng không biết gì về cuộc điều tra của SIS và thông tin lý lịch của ông Dương trước nay đã được công khai đầy đủ, bao gồm một khóa học ở học viện không quân.
Trong khi đó, một số chính trị gia New Zealand đã được SIS báo cáo về “mối quan tâm” của cơ quan này đối với ông Dương. Các đặc vụ SIS cũng tiến hành thẩm vấn một số người có biết về quá trình đào tạo của ông Dương.

tin liên quan

Trung Quốc thông qua luật tình báo mới

Trung Quốc vừa thông qua một luật tình báo mới, cho phép các cơ quan có thẩm quyền giám sát những kẻ tình nghi, khám xét và tịch thu tài sản.

Hồi năm 2010, giới lãnh đạo Cơ quan tình báo Canada cảnh báo một số nhân viên chính phủ chịu ảnh hưởng của nước ngoài, bao gồm Trung Quốc. Úc cũng từng lo ngại về hoạt động tình báo của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng ở nước này.
“Trong khoảng 5-10 năm qua, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã chuyển hướng chiêu mộ một số người bình thường ở bất cứ đâu trên thế giới mà họ nghĩ có thể làm việc cho mình. Với quá trình học đó, ông Dương có thể là mục tiêu chính nếu ông ấy chưa phải là đặc vụ”.
New Zealand là thành viên của một liên minh tình báo với Anh, Canada, Mỹ và Úc. Việc ông Dương làm nghị sĩ của đảng cầm quyền trong 6 năm qua và lý lịch khoa học ít người biết trên càng khiến giới tình báo lo ngại về khả năng sẵn sàng chuẩn bị của liên minh để đối phó nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
“Trung Quốc đã rất chủ động trong những năm gần đây, bao gồm việc cài cắm và bồi dưỡng nhân sự ở cấp cơ sở tại các nước phương Tây và giúp họ có được ảnh hưởng chính trị”, theo ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Cục tình báo trung ương (CIA) và nay là cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).
Ông Johnson cảnh báo Trung Quốc dường như đã xem New Zealand là một tiêu dễ dàng hơn so với Mỹ hay Anh, nên có thể đang dùng chiêu thức cài cắm người như một căn cứ thử nghiệm để tiến hành chiến dịch tương lai tại các nước khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.