Nghi vấn tranh giả - cảnh báo ra sao?

28/07/2020 06:29 GMT+7

Cả Hội Mỹ thuật Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật đều chưa từng cảnh báo về những tác phẩm có nghi vấn giả mạo , đặc biệt là trên thị trường quốc tế.

Những bức tranh dự kiến đấu giá vào giữa tháng 7 của nhà đấu giá Tajan, Pháp đã có thay đổi. Có tới 5/6 bức tranh dự kiến đưa vào phiên đấu giá nghệ thuật với tiêu đề Nghệ thuật châu Á đã bị gỡ bỏ.
Trước đó, nhà đấu giá này đã đưa các tác phẩm được cho là của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Gia Trí lên trang giới thiệu. Các bức bị dỡ xuống trước được cho là của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái. “Rất cảm kích trước hành động mạnh mẽ này của Tajan và giữ hy vọng các nhà đấu giá khác cũng biết lắng nghe và dũng cảm hơn”, bà Đào Mai Trang, một người nhiều năm theo dõi thời sự mỹ thuật trong nước, chia sẻ.
Nghi vấn tranh giả -  cảnh báo ra sao ?

Tác phẩm được cho là của họa sĩ Dương Bích Liên, sau đó đã được gỡ bỏ thông tin

Ảnh: Mai Trang

Đây không phải lần đầu có ý kiến về tranh thật - giả trong các cuộc mua bán. Đáng nói hơn, những người lên tiếng hầu hết với tư cách cá nhân. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, Lê Huy Tiếp, Phạm Long, Hoàng Anh… từng nhiều lần lên tiếng về những bức tranh được cho là của các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được mang đấu giá quốc tế… Bên cạnh lên tiếng trên trang cá nhân, các nhà nghiên cứu này còn liên lạc với nhà đấu giá để nêu câu hỏi.
Vấn đề là, cho tới nay, chưa có một hội nghề nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước nào lên tiếng về vấn đề này với các nhà đấu giá. Trong khi, quyền lợi của họ không phải là không liên quan. Chẳng hạn, khi nhà đấu giá Sotheby’s đưa tác phẩm được cho là Hai cô gái trước bình phong của Trần Văn Cẩn và Bức thư của Tô Ngọc Vân ra đấu giá Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không liên lạc với họ. Trong khi, bảo tàng đang giữ bản gốc tác phẩm Hai cô gái trước bình phong của Trần Văn Cẩn và Bức thư của Tô Ngọc Vân.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Về mặt nhà nước, trách nhiệm cảnh báo này thuộc Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL). Đấy là người chịu trách nhiệm cao nhất lên tiếng về việc tranh giả. Những tranh như của Dương Bích Liên, Nguyễn Gia Trí lại phụ thuộc hồ sơ bảo tàng và bảo tàng phải lên tiếng”.
Còn nhớ, thời điểm xảy ra vụ Hai cô gái trước bình phong, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chỉ xác định tranh của bảo tàng là thật. “Cũng có nhiều người từng liên lạc với chúng tôi để xác nhận thông tin về việc tranh này tranh kia thật giả ra sao. Chúng tôi cũng trả lời trên cơ sở chỉ có thể khẳng định tác phẩm của mình là thật”, ông Minh nói. Tuy nhiên, ông Minh không hề liên lạc với nhà đấu giá về việc này. Trong khi đó, một họa sĩ cho rằng, bảo tàng cần lên tiếng để bảo vệ giá trị chính đáng của tác phẩm mình lưu giữ.
Trong khi đó, ông Mã Thế Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, cho biết Cục này không được phân công lên tiếng nếu có tranh giả. “Cục thì quản lý nhà nước, làm sao mà kiểm soát cái đấy. Hàng giả thì có quản lý thị trường. Cục chỉ đi vận động họa sĩ có đạo đức thôi”, ông nói.
Về điều này, một họa sĩ cho biết: “Việc các nhà nghiên cứu lên tiếng về tranh giả rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp các cơ quan như bảo tàng, hội nghề nghiệp... cần lên tiếng chính thức. Chẳng hạn, với tác phẩm của các danh họa, các tác phẩm liên quan đến tác phẩm trong bảo tàng, những hồ sơ mà chỉ bảo tàng mới có. Điều này giúp thanh lọc thị trường tranh Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.