Nghi vấn túi nâng ngực gây ung thư

15/12/2011 00:30 GMT+7

Những thông tin mới nhất liên quan đến túi nâng ngực kém chất lượng của hãng Poly Implant Prothèse (PIP) lại làm xôn xao dư luận.

Những thông tin mới nhất liên quan đến túi nâng ngực kém chất lượng của hãng Poly Implant Prothèse (PIP) lại làm xôn xao dư luận.

Cuối tháng 3.2010, như Thanh Niên đã đưa tin, Cơ quan An ninh sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) quyết định thu hồi túi nâng ngực của PIP vì có tỷ lệ thấm nứt cao gấp đôi so với sản phẩm khác. Hơn 18 tháng sau, vấn đề lại trở nên thời sự khi chỉ trong vài tháng qua đã ghi nhận ít nhất 3 trường hợp bệnh nhân từng ghép túi PIP bị ung thư vú.

Silicon công nghiệp

Cùng thời điểm bị thu hồi sản phẩm, hãng PIP cũng tuyên bố phá sản. Trước đó, vào giai đoạn thuận lợi nhất, hãng này từng đứng đầu Pháp và xếp thứ 3 thế giới về túi nâng ngực silicon. Afssaps tiến hành điều tra sau khi nhận được báo cáo về việc phần lớn túi PIP thấm nứt chỉ sau 5 năm, trong khi tuổi thọ trung bình của sản phẩm này là 10 năm. Theo Le Monde, từng có bệnh nhân khi bác sĩ mổ lấy túi nâng ngực PIP ra, phát hiện silicon thoát ra ngoài, vón cục lại và lan đến tận xương sườn.

 
Hàng trăm ngàn phụ nữ trên thế giới đã được ghép túi nâng ngực PIP - Ảnh: Europe 1

Kết quả kiểm tra cho thấy silicon sử dụng trong các túi PIP là loại được dùng cho giải phẫu thẩm mỹ cách đây 20-30 năm và hiện nay chỉ còn được dùng trong công nghiệp. Sự đông đặc của loại silicon này gia tăng khả năng ăn mòn lớp vỏ, gây hiện tượng thấm nứt. Theo tờ Le Figaro, silicon trong túi PIP là loại được gia công thủ công ở các cơ sở nhỏ, rẻ hơn 10 lần so với những loại đúng tiêu chuẩn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân (Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Thanh Vân, TP.HCM) cho biết: “Có một dạo đã lâu, sản phẩm túi nâng ngực nhãn hiệu PIP cũng được chào mời ở VN, nhưng từ trước đến nay, hầu như giới bác sĩ thẩm mỹ chính quy không dùng túi ngực này. Nó cũng không được nhập qua đường chính thức. Nếu có thì đó là loại hàng xách tay trôi nổi mà thôi”. TS-BS Đỗ Quang Hùng (Phó trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy) cũng nói: “Lâu nay, bác sĩ thẩm mỹ chính thống trong nước không dùng túi nâng ngực PIP. Tôi có nghe nói về loại này, khoảng 7-8 năm trước”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân khuyến cáo, nếu cơ quan chuyên môn tại Pháp đã thông báo về túi nâng ngực PIP thì những chị em trong nước ai đã đặt loại túi này cần phải đến cơ sở, bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. 

Thanh Tùng

Trong vòng 10 năm, hãng này đã bán được khoảng 300.000 túi nâng ngực. Trong đó, 30.000 sản phẩm được tiêu thụ tại Pháp, còn lại được xuất khẩu chủ yếu ra thị trường u - Mỹ.

Tiền mất tật mang

Vào thời điểm thu hồi, theo thông cáo báo chí của Afssaps, silicon trong túi khi bị rò rỉ có thể gây rát, dẫn đến viêm nhiễm, làm ảnh hưởng cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ. Hàng chục ngàn phụ nữ lỡ được cấy ghép sản phẩm này tại Pháp luôn cảm thấy lo lắng, không biết khi nào “quả bom nổ chậm” sẽ xì ra. Tình hình lại càng thêm u ám khi chỉ trong vòng 1 tháng qua, đã có 3 trường hợp bệnh nhân mang túi PIP bị ung thư được thông báo cho Afssaps. Như vậy, kể từ tháng 3.2010, tổng cộng 4 phụ nữ sử dụng sản phẩm này bị phát hiện ung thư, trong đó có 2 người tử vong.

Đáng chú ý là trường hợp bà Edwige Ligonèche, 53 tuổi, qua đời ngày 21.11 vì một dạng ung thư hệ bạch huyết cực hiếm (ALCL). Chứng nhận của bác sĩ điều trị xác định khối u xuất hiện ở vị trí tiếp xúc với túi PIP.

Theo báo cáo mới của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tỷ lệ mắc ALCL ở phụ nữ nước này là 1/500.000, tỷ lệ xuất hiện ở ngực càng hiếm hơn. Tuy nhiên, FDA đã ghi nhận được 60 trường hợp bệnh nhân nữ được ghép túi nâng ngực (của nhiều hãng khác nhau) trên thế giới bị ung thư dạng ALCL.

FDA nhận định trong báo cáo: “Có thể có sự liên quan giữa ung thư hiếm gặp ALCL với việc sử dụng túi nâng ngực (nói chung), đặc biệt khi có nhiều trường hợp vị trí khối u xuất hiện gần nơi cấy ghép”. Cả FDA lẫn Afssaps đều đánh giá vẫn còn sớm để “kết tội” gây ung thư cho các loại túi nâng ngực và cần phải có nhiều nghiên cứu chi tiết hơn.

Riêng với túi PIP thì Afssaps khuyến cáo người sử dụng cần được siêu âm và kiểm tra mỗi 6 tháng. Hội Bảo vệ người mang túi PIP đã yêu cầu Bộ Y tế Pháp cho phép bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ phí phẫu thuật tháo bỏ “quả bom nổ chậm” này. Tính đến nay, tòa án Pháp đã nhận hơn 2.000 đơn kiện hãng PIP. Riêng thân nhân bà Ligonèche cho biết sẽ kiện hãng này vì hành vi “vô ý làm chết người”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.