Nghĩa tình của một cựu chiến binh

Nguyễn Duy Hiến
Bình Phước
19/12/2023 11:00 GMT+7

Chúng tôi biết nhau khi cùng sinh hoạt chung một chi hội cựu chiến binh (CCB). Tôi quê Quảng Bình, còn ông quê Thanh Hóa, từng là người lính trở về, gặp nhau trên vùng quê mới.

Đó là CCB Trương Tiến Giai, sinh năm 1957, quê xã Thọ Thanh, huyện Thọ Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Chuyện người lính khi tham gia quân đội - phục vụ chiến đấu trong chiến tranh hay trong thời bình xây dựng, làm kinh tế đất nước, kinh tế quốc phòng không gì để nói. Nhưng với ông Giai, nổi bật là nghị lực vượt khó làm kinh tế và tấm lòng nhân ái...

Nghĩa tình của một cựu chiến binh - Ảnh 2.

Ban liên lạc Trung đoàn 245, Lữ đoàn 217, Binh đoàn 12, khu vực phía Nam gặp mặt ngày truyền thống (ông Trương Tiến Giai ngồi hàng đầu, bên phải)

TGCC


Vượt lên đói nghèo

Trước đây, ông Trương Tiến Giai cùng vợ công tác ở Công ty Lâm trường miền núi, tỉnh Thanh Hóa. Được gần 8 năm thì công ty giải thể, vợ chồng ông về quê làm ăn vất vả nhiều năm cũng chẳng dư dật gì. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông Giai quyết định đưa gia đình vào Bình Phước lập nghiệp, làm kinh tế.

Thời gian đầu ông mượn đất trồng hoa màu, sau mấy năm dành dụm mua được vài sào đất. Mỗi lần mua thêm một ít, cứ thế tăng dần tổng diện tích đất trồng được 3 ha. Ông Giai trồng cây cao su xen cây hoa màu vào giữa nhằm lấy ngắn nuôi dài. Khi kinh tế ổn định, ông Giai không trồng hoa màu mà tập trung chăm sóc cây cao su.

"Vất vả lắm chú em ạ! Thời gian đầu anh vừa mượn đất canh tác vừa đi làm công cho các chủ vườn. Vào rẫy xa 7, 8 cây số, đường đất mùa khô các phương tiện giao thông đi lại bụi bay mù mịt. Mùa mưa đường đất đỏ lầy lội, nhiều chỗ đứt gãy, sạt lở do nước đổ tràn. Hồi đó sắm chiếc xe máy cà tàng đi làm cũng khó. Anh với chị toàn cuốc bộ, sau mới mua được chiếc xe đạp để đèo nhau đi làm. Cực khổ thế, song anh chị đều quyết tâm phấn đấu lao động cật lực để thoát nghèo, ổn định đời sống…", anh Giai chia sẻ.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 2017, giá mủ cao su tăng vọt. Đây được cho là thời hoàng kim của người trồng cao su, của các nông trường, công ty cao su. Đời sống của công nhân cao su được cải thiện rõ rệt và phát triển đáng kể. Gia đình CCB Trương Tiến Giai có 3 ha cao su 5 năm tuổi cũng không ngoại lệ.

Kinh tế phát triển, gia đình ông xây dựng ngôi nhà khang trang 1 trệt 1 lầu giữa khuôn viên rộng hàng nghìn m2 và mua xe hơi trị giá 1 tỉ đồng. "Năm 2010, mùa thu nhập cao su đầu tiên, nhìn những dòng nhựa trắng từ thân cây chảy xuống sau mũi dao cạo của mình mà mừng vui khôn xiết. Chính dòng nhựa trắng này thay đổi cuộc sống gia đình anh. Mỗi lần vào vườn, đứng dưới tán cao su xanh ngắt lắng nghe tiếng chim hót lảnh lót, anh nhớ lại năm tháng trong quân đội ở những cánh rừng Trường Sơn. Cho tới giờ này, tuổi đã cao, anh vẫn thường vào chăm sóc vườn và thích ở lại để chăn nuôi gia súc, gia cầm…", ông tâm sự.

Trái tim nhân ái

Ông Trương Tiến Giai vốn là y tá thuộc Trung đoàn 245, Lữ đoàn 217, Binh đoàn 12. Vợ ông tốt nghiệp Trường trung cấp Y tế tỉnh Thanh Hóa. Cả hai ông bà trước đây đều được học qua trường lớp chuyên môn y tế trong quân đội và địa phương. Được lãnh đạo địa phương chấp thuận và Trung tâm Y tế huyện cho phép, ông Giai và vợ mở điểm sơ cấp cứu cộng đồng.

Điểm sơ cấp cứu số 1 của gia đình ông Giai ra đời từ khi còn tỉnh Sông Bé. Đường giao thông đi lại thời đó quá khó khăn vất vả. Nếu có một người ở vùng sâu lâm bệnh hay có những rủi ro khác, đưa ra bệnh viện phải qua nhiều thời gian. Điểm sơ cấp cứu số 1 tại nhà ông Giai là nơi "trung chuyển" kịp thời, qua sơ cứu bước đầu để người bệnh yên tâm hơn trong thời gian chuyển tuyến.

Ông Lê Tiến Hanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phước, nhìn nhận: "Điểm sơ cấp cứu số 1 của gia đình CCB Trương Tiến Giai, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ xã thời đó, đã cứu sống nhiều bệnh nhân ở các ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…".

Lúc bấy giờ, điểm sơ cấp cứu của gia đình ông Giai được xem như một "phòng mạch", rất cần thiết cho bệnh nhân. Nhiều người cao tuổi không đi xa được, bị các bệnh lý thông thường cũng đến nằm điều trị tại đây. Ông bà Giai phải cất nhà riêng ở cạnh đường và kêu thợ mộc đóng thêm giường nằm, đồng thời trang bị thêm một số dụng cụ y tế cần thiết để phục vụ cộng đồng ốm đau, tai nạn. Nếu trường hợp nặng ông bà sơ cứu gấp rồi cho đi liền và còn tạo phương tiện để chuyển họ đi bệnh viện, bệnh nhẹ thì nằm lại điều trị, cơm nước ông bà nuôi luôn.

Bà con ở các ấp vùng sâu có người bệnh hoặc tai nạn do lao động đều đưa ra điểm sơ cấp cứu của gia đình CCB Trương Tiến Giai. Tinh thần phục vụ tốt, kịp thời với chuyên môn được đào tạo cùng với kinh nghiệm cứu chữa bệnh nhân qua nhiều năm đúc rút, "phòng mạch" này mang lại niềm tin trong từng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cộng đồng dân cư và lãnh đạo địa phương. Những bệnh nhân khó khăn, ông Giai chỉ lấy lại ít tiền thuốc. Bệnh nhân nghèo, bệnh nhân dân tộc thiểu số khó khăn quá, ông Giai cho không.

Nghĩa tình của một cựu chiến binh - Ảnh 3.

Ông Trương Tiến Giai tặng quà cho gia đình khó khăn ở xã Tân Phước

TGCC

Song song với nghĩa cử đó, ông Giai còn tặng quà bà con nghèo, khó khăn trong xã vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Ông còn tích cực đóng góp, ủng hộ xây tặng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn đặc biệt trên địa bàn huyện Đồng Phú.

Tìm đồng đội cũ

Qua thông tin đồng đội cũ vào Nam sinh sống, CCB Trương Tiến Giai tìm đến địa phương có đồng đội và kết nối thành lập Ban liên lạc (BLL). Hiện BLL Trung đoàn 245 ở khu vực phía Nam có 200 hội viên, do ông Giai làm trưởng ban. Ông cho biết, dù xa đến mấy cũng phải tìm được đồng đội khi có thông tin. Hằng năm, đồng đội cũ khu vực phía Nam lại tập trung về nhà ông họp mặt và liên hoan kỷ niệm ngày truyền thống thành lập trung đoàn.

Ông Giai cho biết, hiện quỹ Nghĩa tình đồng đội BLL Trung đoàn 245 đã có trên 100 triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Cũng xin được nói thêm, tôi là người có duyên được CCB Trương Tiến Giai mời tham dự liên hoan họp mặt thường kỳ tại gia đình. BLL Trung đoàn 245 gặp mặt đồng đội, giao lưu văn nghệ trong không khí ấm áp của người lính Trường Sơn năm xưa và tôi thấy như có mình một phần trong đó. Tôi yêu chiến sĩ Trường Sơn dũng cảm trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Tôi yêu chiến sĩ Trường Sơn nơi những công trình xây dựng hạ tầng biên giới, nước bạn, hải đảo, đất liền hay làm những tuyến đường giao thông trong nước. Còn nữa, tôi yêu quý ông, yêu đồng đội của ông bởi mình cũng có anh trai là người lính Trường Sơn…

Nghĩa tình của một cựu chiến binh - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.