Nghĩa tình miền Tây: Những bài viết máu thịt với đồng bằng

16/11/2022 07:26 GMT+7

Tháng trước, nước tràn vô thành phố ngập ngụa. Ai đó nói rằng, hồi xưa nước linh binh, bây giờ chỉ ngập thành phố vài ngày rồi nước rút, đâu có gì phải ầm ĩ. Con nước cuối, hầu như tin nhắn mực nước dâng cao nhất được chia sẻ - chính xác từng ngày, giờ. Ai nấy canh con nước đi đón con về.

Dân ở các tỉnh thượng nguồn đón mùa nước nổi với niềm vui sinh kế, tuy rùa, rắn, cá tôm… không còn nhiều. Những cảm xúc khác nhau, nhưng so với những năm không có mùa nước nổi - thèm nồi canh chua bông súng, cá linh non, muốn livestream nồi mắm kho bông điên điển, cá linh đầu mùa cho bè bạn thèm điếc con rái… không phải dễ.

Năm nay, những cơn mưa kéo dài - vũ lượng lớn lắm. Đường phố có lý do để ngập sau khi nâng đoạn này, lấp cống kia.

Rồi thì việc gì cũng qua. Dân miền Tây không có thói quen ca cẩm, kể lể, ta thán. Kệ nó đi - vui sống - Dzô!

Không phải ai cũng thích, cũng chịu nổi cách sống “Kệ nó đi”. Nhưng nếu không như vậy, phải làm sao?

Trần Hoàng Tuyên (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng đại diện tạp chí Thế giới hội nhập tại ĐBSCL, giám khảo cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây)

nvcc

Trong khoảng 10 năm, hàng triệu người trẻ đã rời bỏ vùng này. “Kệ nó đi”! Sống ở trển không nổi thì nó chạy về. Sao bỏ tụi nó được. Biết đâu, người ở lại chịu trận trong những làng mạc là đấu pháp công - thủ - dành đường rút lui.

Nghĩa tình miền Tây là cơ hội cho ai đó chưa thể đặt chân trần lên mảnh đất thần tiên thuở nào, có thể diễn đạt cảm xúc bằng bài viết. Ở đó, một trời yêu thương quyện lấy ngôn từ, mà nếu chỉ chừng ấy sẽ không nói thay lời những người - bên ngoài là “Kệ nó đi” nhưng dõi theo con sau mấy tán dừa - bụng dạ không yên.

Đặc trưng của những tản văn, tùy bút là dòng chảy cảm xúc khi gợi lại bức tranh quen thuộc của đồng bằng châu thổ. Cũng từ dòng chảy ấy, lung linh những cuộc đời được khắc họa, được kể lại cùng lời cảm ơn, lời xin lỗi, sự tiếc nuối.

Châu thổ đang đứng trước những thử thách có tên, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch họa, sạt lở, sụp lún, chìm dần… nhưng cũng có những thách thức chưa thể định danh bởi tính chất và quy mô khiến người ta nhanh chóng rời bỏ vì lý do nào đó. Ký ức làm sống lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đời, nhưng đã đến lúc nhập cuộc để giữ lại bằng tình cảm mạnh mẽ hơn, lời giải thấu triệt, quán chiếu, kiến giải thực tế hơn. Tôi đã rất thích những bài này.

Du lịch sông nước miền Tây

Công Hân

Đọc những tác phẩm dự thi, với những câu chuyện được mô tả chân phương, nhẹ nhàng, trân quý, có khi là hình ảnh gỡ cá phải khéo kẻo hư lưới cho tới cuộc cãi vã của chim muông cũng tạo ra những dấu ấn rất dễ thương, hồn hậu; không cần ngôn từ hoa mỹ. Tự câu chuyện toát lên tính phổ quát, sâu sắc, thân quen. Bằng cách liên kết, đối chiếu, liên tưởng…, một số bài viết có chuyện để đọc; đan xen tinh tế giữa giá trị truyền thống và hoài niệm, thống thiết trước những mất mát.

Tuy nhiên, có những bài viết khắc khoải với ký ức, hình thành nút thắt của câu chuyện, nhưng gấp gáp dừng lại. Ngược lại, những ký ức rời rạc, dung dăng dung dẻ… trong khi người đọc luôn chờ đợi cái gì đó khác hơn, hành động có ý nghĩa hơn thay cho sự diễn cảm mang tính độc thoại. Một số câu chuyện chọn đúng điểm hội tụ văn hóa giao thoa giữa các sắc tộc, nhưng tiếc là tác giả không dừng lại ở những điểm độc đáo để kể. Trong trường hợp khác, dừng lại rất lâu ở hoài niệm nhưng độ khoan sâu chưa tới dù đã chạm “rìa” triết lý.

Nghĩa tình miền Tây là cơ hội để gợi lại, nhắc nhau, đánh thức và cùng hành động vì một tương lai bình yên, sự phát triển bền vững. Bằng những kiến thức, mối quan tâm và cách kiến giải, chúng ta có được những bài viết máu thịt với đồng bằng.

Trước hết, là sự đồng cảm về một vùng đất chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu và sức ép từ thượng nguồn. Thứ đến là tìm một lời giải tâm huyết gắn mình với những số phận yếu thế hơn. Sau cùng, Nghĩa tình miền Tây là cách nói thay cho những tấm lòng bao dung - làm giỏi hơn nói.

Nghĩa tình miền Tây mở ra một “chương” để mọi người hiến kế. Ban tổ chức đặt ra yêu cầu: tính khả thi, chính xác, mới mẻ; tính công phu. Thực ra là những cảm xúc từ góc nhìn - không thể “Kệ nó đi”.

Những phát kiến được xem là giá trị mới không nhiều lắm, do cách tiếp cận, do hạn chế nguồn dữ liệu lớn và có khoảng cách với những dòng chảy khác. Giá mà tác giả bóc tách, mổ xẻ, khám phá, phát hiện, đào sâu và đặt đòn bẫy đúng chỗ, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm bật lên triết lý “ân đền - nghĩa trả” cho vùng châu thổ này khi nhiều người phát túc siêu phương.

Hầu hết tác phẩm đều coi trọng dữ liệu, chịu khó hệ thống, trích dẫn... Một số tác giả đã chọn được điểm tiếp cận theo lĩnh vực. Nhờ đó có cách dẫn dắt câu chuyện mạch lạc. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề của đồng bằng cần sự đối chiếu để thoát khỏi lối mòn. Bởi, thách thức đối với đồng bằng cũng có nghĩa là sự thách thức cân não với cả hệ thống quốc gia. Điều gì chúng ta nhìn thấy thì người khác cũng nhận ra, thậm chí đã làm rồi.

Một số tác phẩm muốn hiến kế nhưng chưa khoan đúng mạch dữ liệu nên lập luận chưa đủ sức thuyết phục. Rất nhiều tác phẩm đặt trọng tâm câu chuyện đúng thực tế, nhưng lại không có phát kiến mới do chưa cập nhật những diễn biến quá nhanh, quá chi tiết trong xuất nhập khẩu và những thay đổi địa - chính trị ảnh hưởng tới giao thương. Một số đề xuất, đúng việc doanh nghiệp đang làm, nhưng để nông nghiệp phát triển/để đồng bằng bền vững/để… rất cần sự tinh tế khi dò tìm phát hiện điểm nghẽn. Vấn đề ở đây giống như là định bệnh, ra toa chính xác nhưng thuốc không đủ liều và liệu pháp để lại nhiều di chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.