Sống trong những ngôi nhà mới trên đất liền - niềm mơ ước mấy chục năm của các hộ vạn đò - nay đã thành hiện thực - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Mơ ước cả đời
Ghé thăm “ngôi nhà chung” đang còn thơm mùi vữa của những cư dân vạn đò, nhìn thấy những nụ cười lan tỏa, ai cũng biết họ đã thực sự mãn nguyện. Họ vừa được đón một cái tết đầu tiên trong những ngôi nhà thực sự.
Đó là những ngôi nhà giống nhau, nằm cạnh nhau nên nhìn từ xa như những chiếc chuồng chim bồ câu nhỏ xinh. Vậy thôi nhưng đó cũng là ước mơ một đời của họ. Bà Hồ Phúc (85 tuổi, một trong những cư dân của “ngôi nhà chung”), cho biết: “Có nhà thì tôi đã yên tâm để nhắm mắt xuôi tay, bởi từ đây con cháu đã có chỗ để đặt cái bàn thờ, nhang khói cho đàng hoàng...”.
Và những người đã “dệt” nên những ước mơ đó cho họ không ai khác chính là những người lính biên phòng. Trao đổi với chúng tôi, trung tá Đặng Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng 208 Cửa Việt, bảo đó là một câu chuyện dài. Ông vẫn nhớ như in về hoàn cảnh của nhóm 7 hộ vạn chài, có gốc gác ở Thừa Thiên-Huế. Họ theo con nước xuống lên và dạt về Triệu An cách đây trên dưới chục năm và “neo lại” như cái duyên trời định. “Phần vì cách sinh hoạt phần vì nghèo nên việc có một ngôi nhà đối với họ còn khó hơn hái sao trên trời. Đã vậy, lại đẻ nhiều nên các đại gia đình này chen chúc trên thuyền hoặc trong chòi rất tội nghiệp”, trung tá Sơn kể.
Nhà dân trong đồn biên phòng
Đồn biên phòng 208 Cửa Việt đã nhiều lần “kêu” giùm cho những hộ dân này. Đến năm 2013, các nhà hảo tâm thông qua UB MTTQ VN H.Triệu Phong đã trả lời bằng cách quyết định hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở. Ngặt nỗi, tiền đã có nhưng hầu như cả 7 hộ này đều không có lấy một mảnh đất cắm dùi. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà cả 7 ngôi nhà đặc biệt này đã được xây ngay trong khuôn viên của Đồn biên phòng 208 Cửa Việt, chạy dọc bờ sông. Chưa hết, hưởng ứng việc nghĩa, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Đồn biên phòng 208 Cửa Việt tiếp tục hỗ trợ hơn 50 triệu đồng để trồng cây, xây kè chắn cát... che chắn cho các ngôi nhà.
Không những bỏ của, chiến sĩ biên phòng còn bỏ công để giúp dân. Gần 10 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã bỏ ra chừng 1.500 ngày công để làm “thợ nề”. Với thái độ làm việc hăng say, công trình “nhà chung” của 7 hộ vạn đò đã hoàn thành khi Tết Nguyên đán cận kề.
“Lên bờ thì sướng lắm, cả đời mạ tui ao ước, giấc mơ thành hiện thực rồi”, chị La Thị Bê, vợ anh Lê Văn Ánh (43 tuổi, con út bà Phúc) cười tít mắt nói. Quá phấn khích, chị còn mở tủ lấy tấm chứng minh thư ra đưa cho tôi xem rồi khoe rằng: “Này nhé, tôi bây giờ đã được bên công an ghi vào đây là “thường trú thôn Phú Hội, xã Triệu An”... rồi nhé”. Khỏi phải nói thì cũng biết những đứa trẻ lổn nhổn của 7 gia đình này sướng đến mức nào khi có nhà mới. “Giờ em khỏi phải lo trời mưa làm ướt sách vở, quần áo. Lúc nào rảnh còn có thể mời bạn bè đến nhà chơi thay vì phải đi chơi ké nhà các bạn như trước kia”, một chú nhóc hồn nhiên nói.
Lặng nhìn khung cảnh bình yên trước “ngôi nhà chung”, khi người lớn đang đan lưới, còn trẻ con vui đùa xung quanh, thượng úy Hồ Lê Luận, chính trị viên, Phó đồn biên phòng 208 Cửa Việt không giấu được xúc động: “Nói thì hơi to tát nhưng thực sự ai cũng thấy cuộc sống của họ đã đổi thay...”. Chợt nghĩ, trên dải đất này cần lắm những tấm lòng, những việc làm nghĩa tình như thế!
Nguyễn Phúc
>> ‘Tấm vé nghĩa tình’ cho công nhân
>> Tái diễn “vạn đò” trên sông Hàn
>> Dân vạn đò lại xuống sông
>> Chính quyền Huế đối thoại với dân vạn đò
>> Xuân nghĩa tình
Bình luận (0)