Ấm lòng bữa cơm cùng mẹ
"Bữa cơm gia đình ấm tình lòng mẹ" tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thực (tổ 12, khu 7, P.Cao Xanh, TP.Hạ Long, Quảng Ninh), do Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức đầm ấm, đầy yêu thương, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha ông đi trước.
Tại gia đình của mẹ Nguyễn Thị Thực, đông đảo đoàn viên, thanh niên có mặt từ sớm, mỗi người một việc để dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu mâm cơm cúng dâng lên các liệt sĩ.
Mẹ Nguyễn Thị Thực có 2 người con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Đông (hy sinh năm 1973 tại chiến trường Mỹ Tho) và liệt sĩ Nguyễn Văn Thay (hy sinh năm 1978 tại chiến trường Tây Ninh). Nén nỗi đau mất mát, mẹ Thực cùng gia đình tích cực tham gia lao động sản xuất, đóng góp công sức phục vụ cho tiền tuyến lớn.
Trước những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mẹ Nguyễn Thị Thực được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Mẹ Việt Nam anh hùng".
Hiện nay, sức khỏe của mẹ Nguyễn Thị Thực đã yếu, bị bệnh tiền đình, hay hoa mắt, chóng mặt, không ngồi lâu được. Tháng 5.2022, Công an TP.Hạ Long phối hợp cùng UBND P.Cao Xanh xây dựng và bàn giao nhà tình nghĩa cho mẹ.
Anh Nguyễn Tuấn Thắng, Bí thư Thành đoàn Hạ Long, cho biết bữa cơm gia đình diễn ra trong bầu không khí ấm áp, chan hòa tình yêu thương. Các đoàn viên, thanh niên đã cùng mẹ ôn lại những kỷ niệm về những người con đã hy sinh và trò chuyện về cuộc sống hiện tại của gia đình.
Cũng tổ chức "Bữa cơm gia đình ấm tình lòng mẹ" trong những ngày này, các đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Định đến thăm hỏi, tặng quà và tổ chức bữa cơm tri ân tại nhà các mẹ Việt Nam anh hùng. Các hoạt động nhằm lan tỏa hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, thể hiện sự biết ơn của tuổi trẻ Bình Định đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng... Tại H.Phù Cát, các đoàn viên, thanh niên đã đến thăm hỏi, tặng quà và tổ chức bữa cơm tri ân tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sương (thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh).
Mẹ Sương có người con duy nhất là liệt sĩ Võ Thành Đôn, hy sinh năm 18 tuổi. Hiện tại mẹ sống một mình. Ngay từ sớm, các bạn đoàn viên thanh niên đã có mặt ở nhà mẹ. Mỗi người chia nhau một việc, từ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, rồi tự tay nấu cơm, nhặt rau, kho thịt… Sau khi công việc hoàn tất, các bạn quây quần bên mâm cơm cùng mẹ, nghe mẹ kể những câu chuyện thời kháng chiến.
Tại Quảng Bình, Đoàn xã Cảnh Hóa, H.Quảng Trạch đã đến thăm và tổ chức chương trình "Bữa cơm cùng mẹ" tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy. Ngay từ sáng sớm các thành viên trong đoàn đã có mặt tại nhà của mẹ. Người lau dọn bàn ghế, nhà cửa, người nhặt rau, gọt củ quả, người ướp thịt… Mỗi người một việc để chuẩn bị chế biến bữa cơm ngon, đủ dinh dưỡng và ấm áp cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy. Bữa cơm được chuẩn bị tươm tất gồm nhiều món ăn quê hương như chắt chắt, thịt luộc, chả lụa, cá kho, cà ri, gà quê, món xào chua ngọt… Bên mâm cơm, mẹ kể những câu chuyện về những năm tháng kháng chiến của quân và dân trong xã, kỷ niệm về những người con đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc. Mẹ Hoàng Thị Hy có chồng và con là liệt sĩ chống Mỹ. Hơn 50 năm, chiến tranh đã đi qua, đất nước hoàn toàn thống nhất, mẹ Hoàng Thị Hy vẫn chưa phút giây nào yên lòng khi nghĩ về người con trai của mình - liệt sĩ Trần Anh Hùng, vẫn chưa tìm thấy hài cốt, nơi yên nghỉ của anh.
Trao tặng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh
Ngày 24.7, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình phối hợp với Huyện đoàn Minh Hóa đã tổ chức lễ khánh thành nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phan Đình Tôn (86 tuổi), ngụ xã Yên Hóa, H.Minh Hóa. Căn nhà tình nghĩa kiên cố trị giá 130 triệu đồng, vững chắc với ý nghĩa tri ân, giúp đỡ những người có công với cách mạng của tuổi trẻ Quảng Bình.
Ông Phan Đình Tôn cùng vợ là bà Lê Thị Nhung (76 tuổi) đều là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau khi hòa bình, cả hai về vùng quê Yên Hóa sinh sống và có với nhau 6 người con, trong đó người con út bị khuyết tật. Hai vợ chồng già và người con bị khuyết tật đang sống cùng nhau trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp.
Nhận được món quà ý nghĩa, bà Nhung xúc động trước sự giúp đỡ, quan tâm của thế hệ trẻ Quảng Bình. "Tôi cám ơn các đoàn viên, thanh niên đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những người già như chúng tôi. Có được căn nhà kiên cố, sạch sẽ, vợ chồng chúng tôi không còn phải lo lắng khi mùa mưa bão đến nữa", bà Nhung chia sẻ.
Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm
Trước dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 100% các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức chương trình đền ơn đáp nghĩa, thăm mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách; trồng cây xanh, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm… Thường trực Tỉnh đoàn Lâm Đồng thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Xê và các gia đình chính sách ở H.Bảo Lâm.
Những ngày qua, tuổi trẻ Đoàn thanh niên Văn phòng Bộ Công an phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, CLB Tình nguyện Thủ đô, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và EVN đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, gia đình chính sách và người dân huyện Sêpôn, tỉnh Savannakhet (Lào).
Đoàn công tác đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện, trao tặng quà cho người dân các địa bàn vùng sâu, đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị; tổ chức thắp nhang, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ.
Cuộc "đoàn tụ" đặc biệt của gia đình liệt sĩ
Những bức ảnh của các liệt sĩ không còn nguyên vẹn, mờ nhòe theo thời gian đã được người trẻ phục dựng một cách chân thật nhất, gửi tặng đến người thân của họ. Đây được xem như một cuộc "đoàn tụ" đặc biệt của các gia đình liệt sĩ.
Chị Phạm Thị Ngâu (34 tuổi, trú xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã có mặt rất sớm tại UBND H.Phú Lộc, tham dự một chương trình đặc biệt. Hôm nay, chị cùng những thân nhân gia đình liệt sĩ đến để nhận di ảnh người thân được phục dựng.
Hoạt động này do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và cán bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức, nhằm chia sẻ những mất mát, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Chị Ngâu là con gái của liệt sĩ Phạm Tân Du, mất do di chứng của chiến tranh trên chiến trường Tây Nam. Hơn 30 năm trôi qua, ký ức về người cha trong chị chỉ được hình dung qua tấm hình thờ đã cũ.
"Ba tôi mất khi tôi vừa lên 5 tuổi, nên ký ức của tôi về ba không còn nhiều. Hôm nay nhìn ba qua tấm ảnh được phục dựng, đó cũng là lần duy nhất sau gần 30 năm tôi nhìn thấy ba rõ nét nhất", chị Ngâu xúc động nói.
Anh Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế, cho biết việc phục dựng ảnh liệt sĩ để tặng thân nhân của họ để chia sẻ những mất mát, hy sinh đầy ý nghĩa. Thông qua đó, hy vọng thế hệ trẻ ngày nay ý thức và nhận thức được trách nhiệm, vai trò của tuổi trẻ trong việc bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà các anh hùng liệt sĩ đã gây dựng nên.
Bình luận (0)