Nghịch lý đào tạo ngành kỹ thuật: chê lương 14 triệu, chọn lương 7-8 triệu

22/03/2022 07:56 GMT+7

Một nghịch lý trong đào tạo ngành kỹ thuật hiện nay là sinh viên ra trường ngại làm việc vất vả ngoài công trình, thích chọn hướng bám trụ thành phố lớn dù lương thấp.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ với báo chí nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường (24.3.1962 - 24.3.2022), lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải đã chia sẻ một số thông tin về tình hình tuyển sinh, đào tạo của trường hiện nay nói riêng và ngành kỹ thuật nói chung.

Theo PGS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, nhà trường là cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần đào tạo chuyên gia cho các nước bạn Lào, Campuchia, có tham vọng trở thành đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á. Tuy nhiên, hiện nhà trường đang phải đối mặt với khó khăn trong tuyển sinh, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, mà một phần nguyên nhân là do quan niệm sai lầm về nghề nghiệp trong tâm lý người dân.

Giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải giới thiệu về công nghệ xử lý mặt cầu Thăng Long do nhà trường nghiên cứu, với sinh viên.

Quý Hiên

Theo PGS Long, với lực lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ, hoặc giảng viên được bổ nhiệm PGS-GS hùng hậu bậc nhất trong số các trường đào tạo về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông hiện nay, năng lực đào tạo trong lĩnh vực này của trường ước đạt khoảng 1.500 sinh viên/năm, nhưng hiện nay trường chỉ tuyển sinh khoảng 600 sinh viên, mà cũng vất vả mới đủ chỉ tiêu. Lý do là thí sinh có tâm lý ngại vào những ngành kỹ thuật, dù thị trường lao động luôn có nhu cầu tuyển dụng (hàng năm khoảng hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo).

Đặc biệt, nhiều em dù vào học ngành kỹ thuật rồi nhưng vẫn có tâm lý ngại vất vả, thích bám trụ ở thành phố lớn để được làm những công việc nhàn nhã dù thu nhập thấp.

“Mới đây có doanh nghiệp nhờ tôi giới thiệu cho một số sinh viên vào làm các vị trí kỹ thuật với lương 14 triệu đồng/tháng, phải vào làm việc trong Tây Nguyên, nhưng các em đều chê, sợ đi xa sẽ vất vả. Các em muốn bám trụ lại ở Hà Nội dù mức lương chỉ 7 - 8 triệu đồng/ tháng”, PGS Long chia sẻ.

PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cũng cho biết các nguyên nhân khiến các ngành đào tạo về giao thông gặp khó khăn trong tuyển sinh là do những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của ngành giao thông hiện nay. Từ khoảng dăm năm nay, nguồn đầu tư của Chính phủ cho giao thông vận tải giảm đáng kể, dẫn tới nhu cầu nhân lực giảm.

Nhân lực trình độ cao vừa thiếu lại vừa yếu

“Trường ĐH Giao thông vận tải là nơi duy nhất đào tạo các ngành về đường sắt. Nhưng ngành đường sắt mấy năm nay ngừng trệ, hệ thống đường sắt Bắc Nam dài khoảng 2.000 km mà vài năm gần đây gần như không hoạt động. Vì thế mà thí sinh không chịu theo học. Trong khi trường không thể ngừng đào tạo vì đất nước nào cũng đều cần cơ sở hạ tầng giao thông. Sự ngừng trệ hiện nay chỉ là tạm thời. Về lâu dài, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng giao thông vận tải có vai trò quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Vì vậy chúng tôi tin tưởng các ngành nghề này vẫn cần được tiếp tục, mở rộng các chuyên ngành, để đào tạo nhân lực có chất lượng cao”, PGS Chương nói.

Theo phân tích của PGS Chương, hiện nay hoạt động đào tạo của cả hệ thống đang vận động theo cơ chế tự điều tiết về nhu cầu đăng ký vào các trường ĐH. Chính vì thế dẫn đến việc thí sinh đổ xô theo học công an quân đội, kinh tế… Xã hội gần như không quan tâm tới các ngành kỹ thuật, tạo ra lỗ hổng lớn, đe dọa sự an toàn nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước trong tương lại. Hiện tại, khủng hoảng đó cũng đã xảy ra. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải thuê nhân lực nước ngoài ở một số vị trí, trong khi trong nước có năng lực đào tạo nhân lực đáp ứng các vị trí này.

“Không chỉ nhân lực trình độ cao mảng kỹ thuật thiếu và yếu mà điều đó xảy ra với cả nhân lực quản lý khiến cho giá thành và chi phí công trình giao thông của chúng ta bị đội lên cao”, PGS Chương nhận xét.

Một lý do khác khiến cho đào tạo lĩnh vực kỹ thuật không thu hút được người học là do thu nhập không hấp dẫn so với các ngành nghề lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, dịch vụ... Thu nhập của kỹ sư, cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp xây dựng hiện nay khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng, một số vị trí yêu cầu trình độ cao cũng chỉ 15 - 16 triệu/tháng.

PGS Chương kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách đặt hàng với những chuyên ngành có tính chất chuyên sâu, đặc thù. Ví dụ ngành đường sắt có chuyên ngành đầu máy, toa xe, hệ thống đường sắt đô thị... Ngành đường bộ có hệ thống điều khiển tín hiệu, điện tử… giao thông. Có như thế, khi đất nước có điều kiện để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thì chúng ta mới có sẵn nguồn nhân lực để đáp ứng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.