"NẾU KHÔNG CẨN THẬN LÀ PHẢI THUÊ HẾT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI"
Ngày 20.2, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải (GVTV) đã ký kết với Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) về việc hợp tác để hai bên cùng phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt. Tại buổi ký kết, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, phát biểu: "Xác định trong 10 năm tới, toàn bộ nguồn lực của nhà nước về cơ bản sẽ dành cho hoạt động của ngành đường sắt, gồm đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị. Theo dự kiến, chúng ta phải khởi công đường sắt Hà Nội - Lào Cai trước ngày 10.12 năm nay, hoàn thành trước năm 2030. Như vậy phải tổ chức đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ".

Sinh viên Trường ĐH GTVT thực tập tại dự án Đường sắt đô thị Bến Thành - Bến xe Suối Tiên (TP.HCM)
ẢNH: HOÀNG NGUYÊN
Cũng trong sự kiện này, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết đến năm 2035 Hà Nội phải hoàn thành 300 km đường sắt đô thị. Đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh xuất phát điểm rất thấp. Trong 20 năm qua Hà Nội mới chỉ hoàn thành được 2 tuyến đường sắt nội đô, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều vướng mắc, một trong những nguyên nhân là có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực. "Không chỉ tuyển sinh khó mà tuyển dụng cũng rất khó, từ công nhân đến kỹ sư, đến chuyên gia. Đến thời điểm bây giờ kiếm được chuyên gia đường sắt, đường sắt đô thị là rất khó. Thách thức ngay trước mắt là trong quá trình xây dựng đòi hỏi kiểm định, cần trung tâm kiểm định chất lượng, động đến cái gì cũng phải đi thuê nước ngoài cả, rất khó".
Trong thời gian qua, Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội cũng đã đi khảo sát ở một số trường có đào tạo ngành đường sắt. Theo TS Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban, nhìn vào thực trạng cơ sở vật chất các trường cũng như điều kiện đội ngũ giảng viên, chuyên gia hiện nay thì thấy tình hình rất khó khăn. Nguồn lực hiện nay chủ yếu dựa vào học phí của SV, mà các ngành phục vụ đường sắt thì không mấy người học. "Chúng tôi nhận thấy đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt đang là vấn đề gấp gáp. Các trường rất khó khăn, mà thực tiễn yêu cầu cao, sắp tới chúng ta phải tiếp nhận công nghệ mới, nếu không cẩn thận là phải thuê hết người nước ngoài", TS Tạ Đình Thi chia sẻ.
Ông Trần Văn Khải, Ủy viên thường trực KHCN-MT của Quốc hội, cũng bình luận: "Một năm Trung Quốc xây dựng hàng nghìn ki lô mét đường sắt cao tốc. Cũng con số đó, ta đặt ra mục tiêu 5 - 10 năm, nhưng rồi có làm được không? Nhìn vào thực trạng với yêu cầu, thực sự là rất sốt ruột".
KHI THỊ TRƯỜNG CÒN Ở… THÌ TƯƠNG LAI
Theo các chuyên gia, có 3 vấn đề tạo nên chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt hiện nay mà VN đều vướng: giảng viên, cơ sở vật chất, người học. Trong đó hai yếu tố đầu tác động gián tiếp tới yếu tố thứ ba (người học), bởi tình cảnh không có thầy giỏi và trang thiết bị giảng dạy hiện đại càng khiến người học thêm chán nản, thờ ơ với chuyên ngành đường sắt.
Tuy nhiên, nan giải nhất vẫn là thu hút được nhiều SV hơn, đặc biệt là các em giỏi, theo học các chuyên ngành phục vụ ngành đường sắt. Theo PGS Ngô Văn Minh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ Trường ĐH GTVT, với nhân lực phục vụ ngành đường sắt, chúng ta không thể để cho thị trường tự vận hành, bởi trên thực tế thị trường việc làm ngành đường sắt hiện đại vẫn đang ở… thì tương lai. "Các dự án đường sắt đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, chưa có dự án nào được triển khai. Nhu cầu kỹ sư đường sắt ở thì tương lai, chứ không phải là hiện tại. Vì thế mà chưa thể thu hút SV theo học được, đó là lý do ít SV chọn học chuyên ngành đường sắt", PGS Ngô Văn Minh nói.
Cũng theo PGS Ngô Văn Minh, việc chuẩn bị nhân lực cho một thị trường lao động chưa có là trách nhiệm trước hết của nhà nước, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp. Đào tạo một kỹ sư đường sắt không chỉ trong 2 - 3 tháng mà ít nhất là 4,5 năm. Như vậy phải có chuẩn bị trước ít nhất là 5 - 7 năm (vì còn đào tạo chuyên gia để có thầy giỏi).
Hiện nay các trường ĐH đều có chính sách chung hỗ trợ miễn giảm học phí, sinh hoạt phí cho SV có hoàn cảnh khó khăn và cấp học bổng từ ngân sách và nguồn tài trợ ngoài ngân sách. Tuy nhiên chưa trường nào có chính sách riêng cho SV, học viên và nghiên cứu sinh ngành đường sắt do chưa đủ nguồn lực. "Để thu hút được người học, nhà nước cần có chính sách miễn/giảm học phí cho SV theo học ngành đường sắt. Ưu tiên mở rộng chính sách vay vốn học tập lãi suất ưu đãi dành riêng cho SV đường sắt", PGS Ngô Văn Minh đề xuất.

Theo các chuyên gia, nan giải nhất vẫn là thu hút được nhiều sinh viên, đặc biệt là các em giỏi, theo học các chuyên ngành phục vụ ngành đường sắt
ảnh: Hoàng Nguyên
NÊN CÓ CƠ CHẾ ĐẶT HÀNG
Còn theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội, nếu không có chính sách đột phá thì khó mà thu hút được nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt. Việc cấp học bổng, miễn học phí để thu hút người học chỉ giải quyết phần ngọn, bởi phần lớn SV khi chọn học một ngành/chuyên ngành nào đó thường bị chi phối về triển vọng tương lai của ngành học. Nếu tương lai được đảm bảo việc làm có thu nhập tốt, thì sức thu hút chắc chắn sẽ lớn hơn nếu như chỉ được cấp học bổng hay miễn học phí.
"Với dự thảo luật Đường sắt sửa đổi (hiện đang soạn thảo - PV), cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật nên đưa vào nội dung đặt hàng đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt. Bối cảnh của chúng ta hiện nay là cần đáp ứng đủ đội ngũ chất lượng cao trong một thời gian ngắn, cho nên cần đưa vào luật một chính sách rõ ràng, cụ thể hơn, là có chính sách đặt hàng đào tạo cho các trường ĐH, thậm chí có thể chỉ định cho trường ĐH đang có sẵn tiềm lực về giảng viên, về cơ sở vật chất, về chương trình đào tạo, nhận các yêu cầu đặt hàng này", TS Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất.
Tương tự, PGS Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH GTVT, cho hay: "Chính sách miễn học phí mang lại thành công về chất lượng tuyển sinh cho các ngành sư phạm, công an, quân đội… Tuy nhiên, với những lĩnh vực mà thị trường lao động hẹp như ngành đường sắt thì e là chính sách miễn học phí cũng sẽ chưa đủ để hấp dẫn người học. Vì học xong các em vẫn đối mặt nguy cơ không có việc làm. Có lẽ chúng ta nên nới rộng ưu đãi, thêm chính sách đặt hàng cho đào tạo nhân lực ngành đường sắt".
Cảnh báo tình trạng "chuyển từ thái cực này sang thái cực khác"
Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cảnh báo tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. "Bao nhiêu năm chẳng ai cần, giờ bỗng nhiên nhu cầu rất cao, thành thử các trường đổ xô đào tạo, thì sẽ ra sao? Vì thế cần xác định nhu cầu đào tạo, phải có một đầu mối để làm việc này. Sau đó có lộ trình đào tạo cụ thể, vì đến một ngưỡng nào đó thì phải giảm chỉ tiêu. Bài học của chúng ta vẫn còn đó, khi mà một thời ào ạt tuyển kỹ sư đường bộ, sau đó thì không tuyển sinh được vì thị trường ùn ứ lao động", ông Nguyễn Ngọc Đông nêu ý kiến.
Ông góp ý thêm: "Về chương trình đào tạo, chúng ta không nên "đập đi làm lại". Làm gì có kỹ sư đường sắt tốc độ cao, mà phải là kỹ sư đường sắt. Nghĩa là đầu tiên SV phải được học về đường sắt, sau đó học thêm một số môn theo yêu cầu công việc như điều khiển, thông tin tín hiệu, động lực đoàn tàu, khí động học… Thế giới cũng thế thôi, trên cơ sở chương trình cơ bản thì họ bổ sung một số môn học chuyên sâu vào giáo trình".
Bình luận (0)