Nghịch lý đất san lấp ở Quảng Trị

11/07/2022 04:43 GMT+7

Hai năm qua, hàng loạt công trình ở Quảng Trị chậm tiến độ do thiếu đất san lấp. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ địa phương không cấp phép kịp thời khiến mỏ đất lậu xuất hiện vừa gây thiệt hại cho ngân sách, vừa phá hoại môi trường...

Nhiều công trình chậm tiến độ

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng thiếu đất san lấp mặt bằng xảy ra khá nghiêm trọng ở Quảng Trị khiến nhiều công trình phải ngưng trệ hơn cả năm.

Cụ thể, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị phía đông UBND TT.Cam Lộ (H.Cam Lộ) khởi công từ tháng 10.2020, cần trên 54.000 m3 đất để san nền và đường. Theo ông Nguyễn Khương Trạm, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tuấn (đơn vị trúng thầu dự án), nhà thầu đã tích cực bỏ vốn ra để đúc các cấu kiện, chuẩn bị đá cấp phối, máy móc thiết bị. “Nhưng hơn 1 năm nay không thi công được, đến giờ tôi cũng không xác định được bao giờ hoàn thành, bởi không có mỏ đất”, ông Trạm ngao ngán.

Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị phía đông UBND TT.Cam Lộ” được khởi công từ tháng 10.2020 nhưng đến nay vẫn chưa xong do thiếu đất

THANH LỘC

Theo BQL dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Cam Lộ, trên địa bàn hiện có 5 dự án, nhu cầu khoảng hơn 80.000 m3 đất san lấp, nhưng đã nhiều tháng qua các công trình vẫn giậm chân tại chỗ. Đáng chú ý, giá cả vật liệu xây dựng giai đoạn này tăng từ 20 - 50% so với dự toán.

Tương tự, gói thầu số 1 của dự án đường giao thông nối QL9 đến khu chế biến thủy sản Cửa Việt và các xã vùng đông H.Gio Linh cần 20.000 m3 đất đắp nền, nhưng đến nay mới có được 10.000 m3 đất. “Công trình đấu thầu trọn gói, mà đấu thầu trọn gói thì không được phép điều chỉnh giá. Không có đất, kéo dài thời gian thì giá thành cũng thay đổi. Ví dụ, nhà nước định giá 1 m3 đất là 20.000 đồng nhưng nay 1 m3 đã là 50.000 đồng. Thế mà vẫn không có đất!”, ông Phan Đình Hạnh, Giám đốc Công ty CP xây dựng Đức Hạnh, nói.

Cả tỉnh chỉ có…2 mỏ đất

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình trên địa bàn tỉnh. Trong đó, theo thẩm quyền, UBND tỉnh đã cấp 14 điểm mỏ, trữ lượng gần 790.000 m3; UBND cấp huyện đã cấp 78 điểm mỏ, trữ lượng trên 1,87 triệu m3. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị chỉ còn 2 mỏ đang có giấy phép hoạt động, trong đó 1 mỏ không khai thác, mỏ còn lại có trữ lượng 60.000 m3 nhưng đến 28.8.2022 sẽ hết nguồn, trong khi nhu cầu cần đất san lấp của tỉnh lên đến gần 22 triệu m3.

Hồi tháng 7.2021, HĐND tỉnh Quảng Trị bổ sung 65 điểm mỏ đất san lấp giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng gần 1 năm kể từ khi nghị quyết ban hành, nhiều điểm mỏ đất vẫn chưa được đưa vào đấu giá. Chưa kể, từ “đấu giá” cho đến khâu “đền bù giải phóng mặt bằng trên đất” cũng không thuận lợi, bởi các điểm mỏ đất đa số thuộc quyền sở hữu người dân và người dân đã trồng cây lâu năm trên đất...

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, cho biết cần phải xem xét thực tế nhu cầu, đẩy nhanh việc đấu giá các mỏ đất san lấp đã được quy hoạch và nạo vét các lòng hồ thủy lợi đúng tiến độ... Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, thừa nhận nguồn đất san lấp đang là “nút thắt” của rất nhiều dự án xây dựng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT cùng với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rút ngắn quy trình hồ sơ thủ tục về đấu giá quyền sử dụng mỏ, nhưng phải tuân thủ theo đúng pháp luật.

Theo ông Đồng, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã báo cáo Bộ TN-MT, Thủ tướng Chính phủ về các thể chế, cơ chế, chính sách trong quy trình đấu giá cũng như cấp quyền khai thác các mỏ đất, mỏ cát, vật liệu san lấp đang còn khó khăn.

Trộm đất lộng hành

Thiếu đất san lấp nên tình hình khai thác đất trộm đang diễn biến phức tạp tại Quảng Trị. Thượng tá Võ Nam Cường, Trưởng công an H.Gio Linh, cho biết trong 6 tháng đầu năm đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện xử phạt nhiều vụ việc liên quan đến nạn trộm đất; đồng thời chỉ đạo Đội cảnh sát hình sự và kinh tế, ma túy và công an các xã tăng cường kiểm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.