Nghịch lý giải ngân

27/06/2020 06:39 GMT+7

Theo Bộ Tài chính, có tới 10 địa phương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công.

Tại hội nghị sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài mới đây, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 24.6, giải ngân nguồn vốn nước ngoài ở các bộ ngành, địa phương đều đạt tỷ lệ rất thấp, tối đa hơn 15% so với kế hoạch. Đặc biệt, có tới 10 địa phương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công.
Lý do thì có nhiều nhưng vẫn là những lý do muôn thuở như thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư...
Toàn lý do chính đáng nếu phải giải thích, giải trình. Thế nhưng, lý do muôn thuở trong bối cảnh khẩn cấp (kinh tế rơi vào khó khăn do dịch bệnh) cho thấy “độ ì” trong bộ máy hiện tại đã trở thành cố hữu bất chấp hoàn cảnh.
Dưới tác động của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp ở khắp mọi ngành nghề đóng cửa. Xuất khẩu dệt may, da giày... những ngành luôn đứng trong câu lạc bộ 10 tỉ USD của Việt Nam đối diện với tình trạng mất đơn hàng đồng loạt. Cho tới nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục cho lao động nghỉ việc bởi các đối tác lớn nhất là Mỹ, EU vẫn đang vật lộn với dịch bệnh bùng phát. Nông sản, được coi là chỗ dựa mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, cũng lao đao khi thị trường Trung Quốc đóng, mở thất thường để kiểm soát sự lây lan. Các ngành dịch vụ hàng không, du lịch, thương mại... rơi vào tình trạng nguy kịch, chưa biết đến bao giờ phục hồi...
Trong bối cảnh đó, giải ngân vốn công để đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm là giải pháp hiệu quả nhất để kích cầu tiêu dùng, đưa kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái. Cứ hình dung thế này, một dự án cầu, đường được thực hiện sẽ kéo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; các công ty thiết kế, vận tải, lương thực, thực phẩm... có đơn hàng để kích hoạt sản xuất, kéo theo hàng ngàn, hàng vạn việc làm. Nếu 10 dự án chạy, khối lượng công việc, khối lượng nguyên vật liệu cung cấp, khối lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ... gấp 10 lần; nếu 100 dự án thì mọi cái đội lên hàng trăm, hàng ngàn lần... từ đó kích hoạt sản xuất, kích hoạt tiêu dùng, kích hoạt nền kinh tế đang ngưng lặng hoạt động trở lại.
Không chỉ thế, việc giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn này còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp chúng ta hoàn thiện hạ tầng cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng “đón đại bàng” - là những doanh nghiệp lớn đang muốn chuyển ra khỏi Trung Quốc sau đại dịch để chia bớt rủi ro. Thành công trong kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, thân thiện, năng động nhưng với các doanh nghiệp, điều tiên quyết vẫn phải là một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Đó là cơ sở hạ tầng thuận lợi, là hệ thống pháp lý rõ ràng, nhất quán; là thủ tục đơn giản, thuận tiện... để giảm tối đa chi phí thời gian, chi phí vốn, tối đa hóa lợi nhuận.
Đáng tiếc là ngay chính trong nhà, các bộ ngành - địa phương vẫn chưa có được sự quyết liệt đặc biệt, kiến nghị những cơ chế - chính sách đặc biệt, những con người dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm đặc biệt để bứt phá giải ngân đầu tư công, đưa kinh tế thoát khỏi khó khăn và chớp cơ hội đón dòng đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới. Cũng không có gì đáng tiếc hơn khi nguồn vốn có, nhưng chỉ vì những lý do muôn thuở mà các dự án vẫn dở dang, nền kinh tế vẫn khát...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.