Nghịch lý giáo dục

30/11/2022 04:17 GMT+7

Tiến sĩ trẻ đi học nước ngoài về, giảng dạy ở một trường ĐH công có mức lương 6 triệu đồng/tháng muốn tìm việc khác thu nhập cao hơn. Trong khi đó có trường đưa mức thu nhập 55 triệu đồng/tháng nhưng không tuyển được người.

Hai hiện tượng trái ngược này tại sao cùng tồn tại trong môi trường giáo dục ĐH? Đây là nghịch lý trong vấn đề thu nhập của giảng viên (GV)?

Hiện giáo dục ĐH VN tồn tại nhiều mô hình quản trị. Các trường ĐH chưa tự chủ sẽ hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Do cơ chế và những ràng buộc về ngạch, bậc nên hiện nay một tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài được nhận vào trường ĐH công chưa tự chủ về tài chính, mức lương cũng chỉ dao động khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, GV còn có thể kiếm thêm thu nhập từ những khoản khác như tiền dạy vượt giờ, nghiên cứu khoa học, dạy thêm bên ngoài… Nhưng không phải nơi nào và lúc nào các GV cũng thực hiện được điều này, đặc biệt với những trường công ở các địa phương không phải trung tâm. Thu nhập này quả thật không tương xứng với mức đầu tư đào tạo một tiến sĩ.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều trường ĐH thực hiện cơ chế tự chủ cam kết tự bảo đảm kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, tự chịu trách nhiệm toàn diện về đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm… Ở những trường này, vì được thu học phí cao nên được tự chủ trong chi trả lương, chính vì vậy thu nhập GV của hệ thống trường này tăng cao. Nhiều trường trong hệ thống này có các chương trình đào tạo đặc biệt, liên kết quốc tế cần thu hút GV giỏi thì càng đưa ra mức thu nhập cao.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kể từ khi thực hiện tự chủ, năng lực tài chính của trường ĐH được nâng cao mà minh chứng tiêu biểu là thu nhập của GV, cán bộ vượt trội, tăng 20,8% đối với GV và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Có trường thực hiện tự chủ ngay từ đầu, đến năm 2021 thu nhập bình quân của GV trường này là 485 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, hệ thống trường tư thục cũng sẵn sàng trả lương rất cao cho GV với mong muốn thu hút người giỏi để nâng chất lượng đào tạo của trường.

Tuy nhiên, thu nhập cao cũng đi liền với yêu cầu cao, từ điều kiện tuyển dụng đến chất lượng công việc đáp ứng, nên không ít trường dù công bố thu nhập cao và nhiều chế độ khác nhưng vẫn không tuyển được người; hoặc tuyển được cũng khó giữ vì GV những ngành “hot” luôn được các doanh nghiệp chào mời với mức lương hấp dẫn hơn nhiều. Ở các trường công chưa tự chủ lại không thể có cơ chế để nâng cao thu nhập cho người có năng lực.

Nghịch lý này về lâu dài sẽ gây ra sự khiếm khuyết, phát triển phiến diện trong hệ thống giáo dục ĐH. Đó là vấn đề đang gây tranh cãi như trường tự chủ phải chăng đang đẩy gánh nặng tài chính về phía người học khi thu học phí cao, hạn chế cơ hội cho học sinh giỏi nhưng không có điều kiện tài chính? Ngoài ra còn là sự phát triển quá lệch giữa các trường. Chất xám sẽ tập trung vào hệ thống các trường công tự chủ, trường tư cũng sẽ gây thiệt thòi cho sinh viên ở các trường công chưa tự chủ.

Tất nhiên tự chủ ĐH là tiến trình cần phải thực hiện, nhưng nhà nước cũng cần sớm cải cách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo, đặc biệt ở hệ thống công lập, để không còn những nghịch lý trong giáo dục cũng như góp phần tạo sự công bằng, cho người yếu thế có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.