Nghịch lý không vô lý

06/09/2024 04:12 GMT+7

Khách tăng vọt nhưng khách sạn, nhà hàng vẫn lỗ; các công ty lữ hành, hàng không vẫn khó... Nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại không hề vô lý, thậm chí cũng không có gì mới mẻ. Thực chất bao năm qua, ngành du lịch nói riêng và nhiều ngành khác vẫn đứng trước câu hỏi, chất hay lượng?

Không có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi trên. Không phải vì chúng ta không nhìn thấy vấn đề, không muốn đi vào "chất" thay vì đếm từng đầu khách, mà bởi ngay cả xét về lượng, chúng ta vẫn thua các nước xung quanh. Cụ thể, 7 tháng năm 2024, VN đón lượng khách quốc tế kỷ lục gần 10 triệu lượt thì Thái Lan là hơn 20 triệu. Năm nay chúng ta mạnh dạn đặt mục tiêu 18 triệu khách quốc tế thì Malaysia là 27 triệu lượt… Thế nên dù muốn dù không, thu hút khách quốc tế tới VN vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Chỉ có điều, cùng với tăng lượng thì bài toán tăng "chất", hay như chúng ta vẫn thường nói là tăng chi tiêu của du khách vẫn chưa tương xứng. Về khách quan, kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn khiến tâm lý thắt chặt chi tiêu bao trùm. Du lịch vẫn đi nhưng tiêu chí ngon bổ rẻ được đặt lên hàng đầu. Về chủ quan, những dịch vụ để "moi tiền" du khách như ăn chơi, giải trí, mua sắm, kinh tế đêm của chúng ta đều hạn chế. Bàn nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu. Chưa kể sau một thời gian dài khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ cần có dòng tiền, bất chấp lãi lỗ đã lao vào cuộc đua giảm giá để giành khách về phía mình. Visa đã mở nhưng độ thông thoáng so với các nước thì chưa thể cạnh tranh. Từ đó dẫn đến nghịch lý du lịch lúc nào cũng thấy báo thắng lớn nhưng hàng loạt khách sạn lớn báo lỗ; những con phố mua sắm tỉ USD vẫn treo bảng cho thuê, hệ sinh thái du lịch từ lữ hành, khách sạn, mua sắm, ẩm thực… vẫn chưa thể phục hồi.

Một vấn đề không thể không nói tới là độ chính xác của các con số thống kê. Đến bây giờ, việc nhập nhằng giữa khách quốc tế (bao gồm cả những người tới VN làm việc, công tác, học tập…) với khách du lịch quốc tế thuần túy vẫn duy trì, vẫn không được tách bạch. Tương tự, doanh thu từ du lịch cụ thể ra sao cũng không rõ. Trong các con số trăm tỉ, ngàn tỉ đồng dịp lễ, tết hay thống kê theo quý, theo tháng, theo năm có bao nhiêu là từ khách du lịch, bao nhiêu là từ tiêu dùng thường xuyên của người dân bản địa? Nếu chúng ta không tách bạch cụ thể mà cứ gom vào cho nhiều, cho lớn thì nghịch lý "thắng lớn nhưng thua lỗ" thực chất là không hề vô lý mà hoàn toàn logic. Quan trọng hơn, các con số đầu vào không chính xác còn ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch đầu ra cho ngành du lịch như ngân sách, chiến dịch, quảng bá, đầu tư, thu hút khách cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của ngành du lịch trong những năm qua, đặc biệt là các nhà phát triển du lịch tư nhân trong việc tạo ra hệ thống lưu trú đẳng cấp, bổ sung các sản phẩm du lịch mới, tăng đường bay thẳng; chính quyền các địa phương cũng năng động hơn trong việc quảng bá thu hút khách. Nhưng nếu vẫn chỉ là các hoạt động mạnh ai nấy làm, có tiền thì làm hết tiền thì thôi mà chưa mang tính tổng thể, không thực hiện thường xuyên thì rất khó tạo thành sức mạnh, tạo nên ấn tượng; như nói đến mua sắm là nghĩ tới Singapore, du lịch ngon - bổ - rẻ là Thái Lan. Chúng ta sẽ chỉ tăng trưởng là so với chính mình chứ không cạnh tranh nổi với bạn cả về chất và lượng.

Ở VN có một số ngành đã "đổi lượng, đổi chất" như gạo, tiêu, cà phê… vẫn duy trì được vị thế hàng đầu thế giới, xây dựng được uy tín, chất lượng ở các thị trường xuất khẩu và mang lại kim ngạch tăng vọt.

Du lịch có nhiều lợi thế, lẽ nào không thể?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.