'Nghịch lý' Minari: Khi Quả cầu vàng 2021 trao giải phim nước ngoài cho phim Mỹ!

01/03/2021 14:00 GMT+7

Báo Mỹ không gọi Minari là phim Hàn mà là phim Mỹ như bài đăng mới đây của The Los Angeles Times . Nhưng phim này lại đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Quả cầu vàng 2021.

Sáng 1.3 (giờ VN), khi phim Minari của đạo diễn Lee Isaac Chung thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Quả cầu vàng lần thứ 78, ngay lập tức, báo Mỹ "xới" lại vấn đề đã được nhắc đến trước đó, mà đồng thời cũng có thể xem là "nghịch lý" của phim tại mùa giải thưởng lần này: Minari, dù sao, vẫn là phim Mỹ! 
Nhận giải từ nhà riêng, đạo diễn người Mỹ Lee Isaac Chung gửi lời cảm ơn đến tất cả những diễn viên, đoàn làm phim đã giúp ông hoàn thành được tác phẩm này trong khi con gái ông quàng cổ bố chơi đùa. Ông bộc bạch: "Con bé là động lực để tôi sáng tạo tác phẩm này". 

Sau khi Minari thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra thắc mắc trước quyết định của HFPA

Ảnh: A24

Ngôn ngữ, mà cụ thể ở đây là tiếng Anh và tiếng Hàn, bề nổi trong phim Minari, trở thành con dao hai lưỡi của bộ phim. Nó là nơi mà đạo diễn gửi gắm tâm tư về những nhân vật người Hàn nhập cư trên đất Mỹ, cố gắng nói tiếng Mỹ để trở thành người Mỹ. Nhà làm phim sinh năm 1978 nhấn mạnh rằng, tiếng Anh trong phim là "ngôn ngữ của trái tim" và gia đình nhập cư trong Minari cố gắng hết mình để chạm vào ngôn ngữ vốn không phải chảy trong huyết quản của họ. 
Nhưng ở mặt khác, chính vấn đề song ngữ, vừa tiếng Anh, vừa tiếng Hàn như thế khiến Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) loại Minari khỏi đường đua Phim hay nhất năm nay. Tác phẩm cuối cùng tranh tài đường đua Quả cầu vàng với nhiều phim nước ngoài khác như La Llorona (Guatemala), Another Round (Đan Mạch), The Life Ahead (Ý) và Two of Us (Pháp).
Minari, quy tụ dàn sao như Steven Yeun, Yeri Han, Yuh Jung Youn... kể về một gia đình người Hàn nhập cư ở vùng Arkansas (Mỹ) thập niên 1980 với khát vọng đổi đời. Phim dựa trên ký ức tuổi thơ của chính đạo diễn Lee Isaac Chung.

Vướng chỉ trích ngay sau khi trao giải

Ban tổ chức giải Quả cầu vàng tiếp tục bị cho là phân biệt chủng tộc sau khi trao giải cho Minari

Ảnh: A24

Trên Twitter, sau khi phim thắng giải, ngay lập tức vấn đề "căn tính" của Minari được đào bới lại và HFPA dĩ nhiên cũng bị liên đới đến một vấn đề tưởng chừng cũ nhưng luôn thường trực: phân biệt chủng tộc.
Tài khoản Twitter có tích xanh Jason Carlos tweet: "Hãy nhớ rằng Minari là phim Mỹ". Còn tài khoản Twitter chính thức của Liên hoan phim quốc tế Toronto (Tiff) thì gọi Minari làm về "Người Mỹ điển hình mới". Có người dùng còn đặt ra câu hỏi: phim do Mỹ sản xuất, diễn viên Mỹ, nói tiếng Mỹ, nhưng cuối cùng thắng giải phim nói tiếng nước ngoài là cớ vì sao? 
Thế nhưng bên cạnh những chỉ trích trên, có độc giả lại khoan hòa hơn trong cách nhìn nhận. Tài khoản Raymond Chang viết: "Bằng một cách nào đó, một phim Mỹ xuất sắc như Minari lại được trao giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Có nhiều người Mỹ thực chất chủ yếu và chỉ nói được các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh trên đất Mỹ". 
Về phía nam diễn viên chính trong phim Minari là Steven Yeun, anh chia sẻ cảm nhận của mình về Quả cầu vàng năm nay: "Chúng ta không thể trông đợi các luật lệ, các tổ chức thu nhận hết mọi sự phức tạp của cuộc sống thực".Trước thềm trao giải Quả cầu vàng, theo điều tra của Los Angeles Times, tất cả 87 thành viên của ban tổ chức, những người đứng ra chọn kết quả chung cuộc, không có thành viên da đen. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.