Kích hoạt cả quần thể du lịch với sức chứa hàng chục ngàn người chỉ để đón vài trăm khách, có đơn vị chưa đón được khách nào; mỗi địa phương một phần mềm khai báo y tế khiến khách nội cũng lúng túng; trung tâm kinh tế của cả nước nhưng đón khách quốc tế còn chờ... Quá thận trọng khi mở cửa đang khiến cho các doanh nghiệp (DN) du lịch rơi vào tình thế “mở còn khổ hơn”.
Nói như TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, đến nay vắc xin là công cụ mạnh nhất để thích nghi, để làm ăn, để phát triển theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, vậy thì “còn chờ gì nữa mà chưa mở cửa”.
Thế nhưng, trên thực tế, đề xuất đón khách quốc tế của TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước với độ phủ vắc xin rộng nhất, cao hơn cả Mỹ và nhiều nước châu Âu vẫn đang chờ... xin ý kiến. Thế là mùa đẹp nhất trong năm, mùa mà hàng ngàn, hàng vạn DN du lịch kỳ vọng sẽ gỡ gạc lại phần nào những tháng ngày đóng cửa dần đi vào chặng cuối, nhưng họ đều không dám lên kế hoạch, không dám kết nối, không dám quảng bá...
Kết quả là mang tiếng mở cửa, nhưng doanh thu của lữ hành Saigontourist, “anh cả” của ngành du lịch Việt Nam, chỉ còn 7% so với năm 2019. Loạt chợ đêm ở các điểm đến nổi tiếng Việt Nam của Công ty Ngôi Sao Biển vẫn “tối đèn” suốt từ đầu năm đến nay; ông chủ của Vietravel Holding vẫn phải đặt câu hỏi “Chúng ta có thực sự muốn mở cửa hay không?”...
Đáng nói là không chỉ có tỷ lệ phủ vắc xin cao, chúng ta còn có đủ mọi điều kiện để đón khách an toàn, tiêu chí hàng đầu trong mở cửa du lịch hiện nay. Đó là khí hậu nhiệt đới nắng ấm, các hệ sinh thái hội tụ đủ những điều kiện lý tưởng để đem đến cho du khách một hành trình khép kín, từ việc nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trọn vẹn, hạn chế việc tiếp xúc...
Vậy tại sao lại có nghịch lý “mở cửa còn khổ hơn” mà rất nhiều DN du lịch đang than trời?
Câu trả lời là vì chúng ta quá thận trọng nên chỉ mở nửa vời, mở he hé, mở trong tâm lý sẵn sàng đóng lại. Thế nên, nguồn khách không có, DN du lịch thấp thỏm đứng ngồi không yên giữa câu hỏi mở hay tiếp tục đóng. Bởi đã mở thì phải vận hành cả hệ thống, từ tuyển và đào tạo nhân viên thích nghi với tình hình mới; rồi chi phí duy tu bảo dưỡng, chi phí nhân công, chi phí dịch tễ... rất lớn nhưng không có hoặc rất ít khách.
Doanh thu không kham nổi trong khi sức đã tàn, lực đã kiệt sau gần 2 năm chống dịch, mở trong thể trạng, bối cảnh như vậy, chắc chắn DN khổ hơn. Nhưng không mở, thì đợi đến bao giờ, hay là đóng luôn? Họ, các DN trong ngành du lịch, suốt những tháng ngày qua cứ phập phồng, chờ đợi... trong thế tiến thoái lưỡng nan như vậy.
Là ngành kinh tế tổng hợp, đằng sau du lịch là hàng không, thương mại, dịch vụ, sản xuất, xuất khẩu, hệ thống lưu trú, bất động sản... Du lịch hắt hơi, hàng không ngay lập tức ốm nặng, các dịch vụ liên quan đến ngành này cũng ngắc ngoải, kiệt quệ. Đó là lý do vì sao, mở cửa du lịch được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi kinh tế. Bởi mở cửa du lịch thì hàng không tái sinh, hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng, nhà hàng, thương mại... được kích hoạt, tạo nguồn thu, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và đóng góp cho ngân sách quốc gia.
Bên cạnh gói hỗ trợ đủ lớn, việc mở cửa để nền kinh tế tự thân vận động là điều cần thiết để chương trình phục hồi kinh tế đạt hiệu quả cao nhất. Còn cứ mỗi địa phương, mỗi ngành vẫn dựng một pháo đài an toàn riêng cho mình thì như nói trên, mở ra còn khiến các DN khốn khổ hơn.
Bình luận (0)