Nghịch lý nhiều thông tin tốt, chứng khoán vẫn èo uột

18/01/2025 06:16 GMT+7

Bất chấp doanh nghiệp báo lãi, giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán liên tục đi xuống khiến nhà đầu tư chán nản.

Cả năm vẫn chưa thể "về bờ"

Đó là tình trạng tài khoản giao dịch của nhiều nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán trong năm qua khi thị trường liên tục giảm sâu. Đến phiên giao dịch hôm qua 17.1, sàn TP.HCM (HOSE) ghi nhận chỉ có hơn 10.278 tỉ đồng được mua bán, thấp hơn phiên trước đó 23%. Nếu so với giá trị giao dịch bình quân trong tháng 12.2024 với hơn 14.533 tỉ đồng thì hôm qua sàn HOSE đã giảm mạnh 33%. Tình trạng ế ẩm ở nhiều cổ phiếu cũng diễn ra trên sàn Hà Nội khi giá trị giao dịch dù tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng cũng chỉ đạt hơn 753 tỉ đồng, thua xa lượng tiền giao dịch trong năm 2024. Trong đó, các NĐT nước ngoài (NĐTNN) bán ròng với giá trị khoảng 560 tỉ đồng. Theo ước tính từ đầu năm mới đến nay, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng kéo dài từ năm 2024.

Nghịch lý nhiều thông tin tốt, chứng khoán vẫn èo uột- Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ, nản lòng với cổ phiếu

Ảnh: Nhật Thịnh

Mặc dù chỉ số VN-Index chốt phiên hôm qua vẫn tăng 6,75 điểm lên 1.249,11 điểm và HNX-Index tăng 1,63 điểm lên 222,48 điểm cũng như tăng trong năm vừa qua nhưng nhiều NĐT vẫn không thấy vui. Một cuộc phỏng vấn nhanh của Thanh Niên với một số NĐT cá nhân tại TP.HCM đã có nhiều năm tham gia mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) đều cho thấy tài khoản vẫn đang thua lỗ. Chị Ngọc An cho biết tài khoản của chị có nhiều mã ngân hàng cũng như một số cổ phiếu của doanh nghiệp ngành nghề cơ bản như sắt thép, nông nghiệp và không thay đổi nhiều so với đầu năm 2024. Sau một năm cũng ít giao dịch, nhìn lại tài khoản vẫn "chưa về bờ". Điều này khiến chị càng thêm nản và không muốn bỏ thêm tiền để đầu tư hay mua bán. Tương tự, chị Hồng Thanh (Q.5, TP.HCM) chia sẻ chị có một nhóm bạn thân thường trao đổi về kinh nghiệm đầu tư, trong đó có chứng khoán. Thế nhưng hầu hết trong năm 2024 đến nay ai cũng bị lỗ vì cổ phiếu. Quá nản nên gần như gần 2 tháng nay, nhóm ít bàn tán về cổ phiếu mà chủ yếu trao đổi về tình hình xã hội, gia đình… 

"Nhiều cổ phiếu chỉ tăng giảm rất thấp trong khi mình cũng không nắm giữ quá nhiều nên nhìn vào tài khoản hầu như không thay đổi. Trong khi có những mã đã giảm mạnh trước đó thì cũng chưa thể quay về được giá mình mua. Không hiểu vì sao nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, ngân hàng cũng báo lãi lớn mà cổ phiếu vẫn lình xình. Thôi mình chấp nhận để luôn như vậy cũng không muốn bỏ thêm tiền vào kênh này vì sợ càng thua lỗ. Thôi cứ để đó chờ xem qua Tết âm lịch, thị trường có khá hơn không rồi tính tiếp", chị Hồng Thanh chia sẻ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, thừa nhận: Giao dịch chứng khoán khá trầm lắng trong thời gian vừa qua. Nhiều NĐT bị thua lỗ nên nản, không giao dịch. Cộng thêm khối ngoại vẫn liên tục bán ròng khiến tâm lý các NĐT cá nhân trong nước bị tác động tiêu cực. Đó là chưa kể với lượng cổ phiếu mà khối ngoại bán ra trong năm 2024 thì cũng có nhiều người đã mua vào và vẫn đang ôm số này. Dù kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng tăng trưởng mạnh nhưng trên các diễn đàn, nhóm đầu tư chứng khoán trước đây khá nhộn nhịp thì nay vắng bóng hoặc chỉ bàn tán về giá vàng, tiền số… Giao dịch càng ít càng khiến giá nhiều cổ phiếu giảm và NĐT càng nản lòng. Đây là một cái vòng tròn lặp lại và chưa có yếu tố nào đủ hấp dẫn để thúc đẩy thị trường sôi động. Chỉ còn một tuần nữa đến Tết âm lịch 2025 và có thể thị trường sẽ tiếp tục đi ngang với giao dịch ở mức thấp như hiện nay.

Thị trường vẫn phát triển tốt trong dài hạn

Vì sao nhiều doanh nghiệp, ngân hàng báo lãi tăng cao nhưng cổ phiếu không tăng khiến NĐT thua lỗ? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư tại Maybank Investment Bank, nhận định năm vừa qua, các NĐTNN đã bán ròng nhiều nhất trong lịch sử của TTCK VN và vẫn tiếp tục duy trì xu hướng này trong những ngày đầu năm mới. Việc bán ra miệt mài của khối ngoại đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhiều NĐT cá nhân khiến họ cũng chùn tay. Hơn nữa, số lượng NĐT bị thua lỗ nhiều năm qua dù VN-Index vẫn tăng cao hơn gấp đôi lãi suất tiết kiệm càng khiến nhiều người "ngó lơ" chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh nhận định: Để TTCK có thể sôi động trở lại, nhất là thanh khoản gia tăng thì phải chờ một thời gian khi khối ngoại quay lại mua vào. Đồng thời, TTCK VN được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để có thể thu hút thêm nhiều quỹ đầu tư quốc tế. Ngoài ra trong nước phải thúc đẩy có thêm nhiều cổ phiếu mới của các công ty lớn lên sàn niêm yết. Về dài hạn, làm thế nào để TTCK gia tăng thêm số lượng cổ phiếu các ngành công nghệ, năng lượng sạch… khi Chính phủ đang thúc đẩy phát triển công nghệ thì mới thu hút được sự quan tâm của NĐT trong và ngoài nước nói chung.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, TTCK VN vẫn phát triển. Năm 2024, chỉ số VN-Index đã tăng cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm và cũng tăng hơn 50% so với tăng trưởng GDP. Tất cả các quỹ đầu tư mở tại VN trong năm vừa qua đều tăng trưởng cao, từ 12 - 17%. Tuy nhiên trái ngược với thị trường các nước phát triển vốn đa số là NĐT tổ chức, TTCK VN chủ yếu là NĐT cá nhân mà phần đông bị thua lỗ nên tâm lý chán nản khiến dòng tiền giao dịch giảm sút. Tình trạng giao dịch lình xình có thể tiếp tục kéo dài đến qua Tết Ất Tỵ 2025 và chỉ có thể cải thiện dần dần từ quý 2/2025. Ông Hiển đánh giá: Về dài hạn TTCK vẫn là kênh đầu tư tăng trưởng cao do nền tảng kinh tế vĩ mô của VN tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, thời gian qua Chính phủ đã có những quyết sách để TTCK phát triển minh bạch, lành mạnh như xử lý các đội nhóm, cá nhân thao túng giá chứng khoán; siết chặt hoạt động kiểm toán, giảm tài khoản ảo cũng như chính sách gỡ nút thắt để nâng hạng thị trường. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng từng bước tái cấu trúc, phát triển theo hướng bền vững như chuyển đổi số, sản xuất xanh. "Kinh tế của VN sẽ phát triển mạnh và trong vòng 5 năm tới sẽ vượt được Thái Lan. Cùng với các chính sách thúc đẩy TTCK nâng hạng, phát triển bền vững thì đây vẫn là thị trường được phát triển mạnh. TTCK VN nói chung sẽ hướng đến phát triển như nhiều thị trường phát triển khác, trong đó sự tham gia của NĐT cá nhân sẽ ít dần. Các NĐT cá nhân cũng phải thay đổi hành vi. Với những người chưa có nhiều kinh nghiệm thì cần thay đổi xem xét nên đầu tư qua quỹ mở để giảm rủi ro", TS Đinh Thế Hiển lưu ý. 

Nghịch lý nhiều thông tin tốt, chứng khoán vẫn èo uột- Ảnh 2.

đồ họa: minh tưởng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.