Ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tư nhân và các công ty liên doanh nước ngoài nắm quyền sở hữu các cụm rạp hiện đại và các dịch vụ kèm theo. Họ cũng chi phối toàn bộ quá trình nhập khẩu, điều tiết và phát hành - phổ biến phim. Điều này đã khiến khán giả Việt Nam được tiếp cận gần như tức thời với các tác phẩm điện ảnh thế giới, thu hẹp khoảng cách thưởng thức văn hóa.
Tư nhân mạnh hơn nhà nước
Năm 2011, các công ty này nắm giữ 21 cụm rạp và 111 phòng chiếu hiện đại, có đến gần 166.000 buổi chiếu phim nước ngoài, khoảng 9 triệu lượt khán giả đến rạp. Doanh thu của các công ty này liên tục tăng, nếu như năm 2000 là 2 triệu USD thì vào năm 2010 đã là 26 triệu USD, năm 2011 đạt 35 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2012 đạt 13 triệu USD. Đó là chưa bao gồm doanh thu của những dịch vụ đi kèm. Doanh thu ngoạn mục như vậy chứng tỏ thị trường kinh doanh phát hành phim vẫn còn đang là miếng bánh ngon. Hằng năm các cụm rạp hiện đại của tư nhân vẫn tiếp tục ra đời.
|
Thế nhưng điều nghịch lý là dù thị trường chiếu bóng nhiều tiềm năng như vậy, nhưng doanh thu của hệ thống rạp do nhà nước quản lý - dù ở vị trí đắc địa hơn hẳn tư nhân, số lượng phòng chiếu cũng không chênh nhau quá nhiều - lại yếu kém. Năm 2011, các rạp do nhà nước quản lý gồm 104 phòng chiếu với 73 phòng âm thanh lập thể, 27 phòng kỹ thuật số (con số này ở khối tư nhân là 91 phòng âm thanh lập thể, 51 phòng kỹ thuật số) nhưng chỉ thực hiện được hơn 74.000 buổi chiếu với 4,2 triệu lượt người xem. Nguyên nhân là do quản lý yếu, phòng chiếu xuống cấp, hoạt động cầm chừng do không có nguồn phim (chủ yếu chỉ là tận thu của các công ty nhập phim), thu không đủ bù chi... Trong khi đó, đáng tiếc là Fafilm Việt Nam lại tự đánh mất vai trò điều tiết trong hoạt động phát hành, phổ biến phim. Nếu như năm 2000 Fafilm nhập 29 phim, năm 2006 còn 4 phim thì từ năm 2009 đến nay, Faflim không nhập phim nào nữa.
Thêm một “đòn” gây khó khăn hơn nữa cho hệ thống rạp phim nhà nước khi ở một số địa phương, những vị trí “bờ xôi, ruộng mật” đã nhanh chóng bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện nay có đến 14/63 tỉnh thành không có rạp chiếu phim. Riêng các tỉnh miền Trung Tây nguyên cũng chưa có một cụm rạp nào. Và nếu như trang thiết bị kỹ thuật số phát triển như vũ bão ở hệ thống rạp tư nhân thì gần 200 máy chiếu phim nhựa vẫn đang là thiết bị chủ lực trong hệ thống phát hành phim nhà nước, máy chiếu 3D gần như không có.
Một nghịch lý nữa đang tồn tại trong bức tranh thưởng thức văn hóa nghe nhìn: Khán giả các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội trung bình khoảng 3 ngày được thưởng thức 1 bộ phim mới chiếu rạp, trong đó đến 80% là phim Hollywood, thì ở các tỉnh thành còn lại trên cả nước, nhà nước đang chật vật cố gắng phấn đấu con số 80% các xã được xem phim 1 lần/tháng, bất kể là phim gì, bất kể chất lượng kỹ thuật thế nào. Và từng ngày, hàng triệu người dân vùng sâu, vùng xa vẫn mong đội chiếu bóng về làng, về bản vì đó là cầu nối duy nhất để họ được tiếp cận với khái niệm xa xỉ là “điện ảnh”, dù rằng có thể là chiếu phim của hàng chục năm về trước.
315 đội chiếu bóng lưu động trong hệ thống phát hành phim nhà nước, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ văn hóa chính trị đến các vùng sâu, vùng xa đang gặp những khó khăn không nhỏ: trang thiết bị quá yếu kém, địa bàn hoạt động quá khó khăn, hiểm trở, kinh phí hoạt động quá èo uột (300.000 đồng tiền thuê cho 1 phim). Ngay như tỉnh nghèo Lai Châu, mặc dù rất đói “văn hóa nghe nhìn” nhưng nhiều buổi chiếu không có người xem vì chất lượng kỹ thuật quá kém.
Sự nỗ lực của một vài đơn vị được coi là “cái khó ló cái khôn” cũng chỉ là giải pháp tình thế. Trung tâm phát hành và chiếu bóng Nam Định đã tự chế máy phát 3D bằng cách... phát hình 2 máy 2D ở dạng phân cực, tuy chất lượng không cao nhưng cũng thỏa mãn nhu cầu khán giả các tỉnh. Con số tính toán sơ bộ cho thấy nếu trang bị hơn 200 máy chiếu Full HD kỹ thuật số cho toàn bộ các đội chiếu bóng lưu động trong cả nước thì mất khoảng 40 tỉ đồng.
Một hành động tích cực mới đây là tại LHP Việt Nam lần thứ 17, Bộ VH-TT-DL đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc, tuy nhiên nguồn kinh phí hoạt động của quỹ này từ đâu vẫn đang là câu hỏi lớn. Ngay cả với các nước phát triển, nguồn thu này thu trên từng tấm vé vào rạp. Ở Pháp là 17%, ở Đức là 20% trên giá vé. Ở Việt Nam, làm thế nào để được phép triển khai được chính sách này, thu đủ, thu đúng và sử dụng hiệu quả?
Lan Dung
>> Cụm rạp chiếu phim MegaStar Paragon mở cửa trở lại
>> Đà Lạt sẽ không còn rạp chiếu phim
>> Nghĩ từ rạp chiếu phim
>> Rạp chiếu bóng cuối cùng của Đà Nẵng sắp được bán?
Bình luận (0)