Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thành lập từ năm 2010 theo luật Kinh doanh bảo hiểm, theo Bộ trưởng Phớc, tới nay đã kết dư 1.000 tỉ đồng nhưng 12 năm qua “chưa chi đồng nào”; còn Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại luật Điện ảnh năm 2006, tới nay đã 16 năm vẫn chưa lập được vì chưa tìm được nguồn thu.
Các cơ quan Quốc hội thẩm tra 2 dự án luật sửa đổi đều đề nghị bỏ các quỹ này. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm ngoài việc chưa chi được đồng nào và ít có khả năng chi, theo Ủy ban Kinh tế, còn trùng mục đích với Quỹ dự trữ bắt buộc, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp (DN) và người mua bảo hiểm. Còn Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ngoài lý do chưa tồn tại trên thực tế, theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, việc Chính phủ đề nghị ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ cho quỹ là “trái luật”.
Tất nhiên, lý do giữ lại các quỹ của các bộ trưởng cũng “không kém phần thuyết phục”. Bộ trưởng Phớc cho rằng, dù thay đổi mô hình quản lý với DN bảo hiểm vẫn không thể đảm bảo 100% các DN không xảy ra chuyện, do đó cần duy trì quỹ để nhà nước có công cụ can thiệp, bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm khi có vấn đề. Còn Bộ trưởng VH-TT-DL thì nói rằng nếu không có Quỹ thì chủ trương hỗ trợ phát triển điện ảnh khó mà thực hiện được.
Câu chuyện “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” nói trên không có gì mới; song lại thể hiện đầy đủ “nghịch lý” của các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách từ 2013 - 2018 cho thấy, dù mục tiêu khi thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách luôn là thu hút các nguồn lực ở khu vực ngoài nhà nước, song thực tế nhiều quỹ “ăn bám” vào ngân sách, trong khi hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí, chi cho quản lý nhiều hơn nội dung hoạt động, thậm chí có tiền mà không chi được. Nhiều quỹ chỉ “lập ra rồi lấy tiền quỹ gửi ngân hàng lấy lãi nuôi bộ máy”, đó là chưa kể một số quỹ còn sử dụng tiền chưa đảm bảo minh bạch, công khai… Chính vì vậy, ngay từ năm 2019, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bãi bỏ ngay 7 quỹ và bãi bỏ có lộ trình 3 quỹ khác trong tổng số 28 quỹ loại này ở T.Ư.
Trong Nghị quyết 23 ngày 28.7.2021 của QH về kế hoạch tài chính quốc gia vay, trả nợ công 5 năm (2021 - 2025), QH cũng yêu cầu rà soát việc duy trì, quản lý và sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách; nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của quỹ; đồng thời sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước hoặc không còn phù hợp.
Việc thành lập các quỹ để hỗ trợ sự phát triển cho ngành, lĩnh vực, bảo vệ quyền lợi người dân là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thực tế của các quỹ lại đang trở thành những bằng chứng thuyết phục khiến QH lắc đầu với các đề xuất duy trì quỹ. Vì xét đến cùng, để có lý do tồn tại, các quỹ cần phải hoạt động hiệu quả trước đã.
Bình luận (0)