Nghịch lý rau xanh 'đội giá', nông dân H.Hóc Môn (TP.HCM) 'khóc ròng'

09/07/2021 14:51 GMT+7

Trong khi giá rau củ quả tại TP.HCM 'leo thang' và sức mua của người dân vẫn rất lớn, thì nhiều nông dân tại H.Hóc Môn 'khóc ròng' vì không có thương lái đến mua nông sản, phải đem đi bỏ.

Từ đầu tháng 6, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và chưa có dấu hiệu chững lại, các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá theo từng ngày. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng rau củ quả ở chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ tại TP.HCM "leo thang" chóng mặt. Thế nhưng các hộ nông dân trồng rau ở H.Hóc Môn lại đang "kêu cứu".

Rau tại chợ khan hàng, rau tại vườn ế ẩm

Người dân mua hàng tại các chợ truyền thống, cửa hàng “nóng mặt” khi giá cả tăng đột biến nhưng chất lượng không đảm bảo như trước dịch. Anh Nguyễn Hoài Tâm (26 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cho biết giá rau củ quả bắt đầu tăng từ khi khu vực Q.Gò Vấp bị phong tỏa. Đến nay khi các chợ đầu mối ngưng hoạt động thì các mặt hàng này liên tục tăng.

Rau muống đang được giá nhưng không có người đến mua

ẢNH: TRẦN TIẾN

“Trước kia đi chợ mua rau, bắp cải chỉ 20.000 đồng/kg thì nay có chỗ bán tới 40.000 đồng. Nhưng giờ không còn nhiều nguồn mua nên chịu, vì mình cũng đang cần”, anh Tâm nói thêm.
Những tưởng mặt hàng rau củ quả tăng giá do khan hiếm nguồn cung ứng, tuy nhiên tại các vườn rau thuộc H.Hóc Môn, người nông dân lại điêu đứng vì không có nguồn tiêu thụ rau.
Ngày 8.7, chúng tôi tìm đến vườn rau muống thuộc ấp Thới Tam Thôn, xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM) của bà Trần Thị Quyên (38 tuổi, quê Hà Nam). Đây là thời điểm thu hoạch gần 1,4 hecta rau muống nhưng lượng thương lái vào mua chỉ lác đác vài người khiến bà Quyên rầu rĩ.
Bà Quyên cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng rau tiêu thụ mỗi ngày một ít, đặc biệt trong thời điểm các chợ đầu mối ngưng hoạt động. Mặc dù giá cả vẫn giữ nguyên và có phần “nhỉnh” hơn so với thời điểm trước dịch nhưng lại không có người đến mua nên phải cắt bỏ.

Nhiều nông dân trồng rau muống tại H.Hóc Môn chỉ tiêu thụ được 30% sản lượng tại vườn

ẢNH: TRẦN TIẾN

“Lúc trước tôi bán 3.000 đồng/kg nhưng bán được 300 kg mỗi ngày, nhưng hiện nay giá 4.000 đồng/kg thì bán chỉ được khoảng trăm ký. Vậy có giá để làm gì! Giờ mình không dám mua phân bón vì không đủ tiền bù lỗ. Rau nào quá lứa thì bán tháo hoặc phải cắt bỏ để ra lứa khác”, bà Quyên chia sẻ.

Điêu đứng do không có nguồn xuất hàng

Bà Quyên cũng nói thêm, từ thời điểm nhiều khu vực H.Hóc Môn phong tỏa, một số cá nhân khi biết tin đã chủ động đến tìm gặp và hỗ trợ “giải cứu rau muống” của bà với giá 1.000 đồng/kg. Thời gian này khi vài người quen hướng dẫn bà Quyên bán rau online với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, bà Quyên làm theo nên cũng bán thêm được vài chục ký mỗi ngày.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Phương (40 tuổi, quê Thanh Hóa) canh tác rau muống với diện tích khoảng 1,3 hecta tại cánh đồng thuộc ấp Trung Đông 2, xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) với sản lượng vài tấn mỗi ngày nhưng không tiêu thụ được.
Ông Phương cho biết tình hình đã kéo dài gần 1 tháng nay, gia đình ông cũng liên tục phải cắt bỏ cả chục tấn rau muống quá lứa vì không có thương lái đến mua. Ông Phương giải thích rằng do bạn hàng chủ yếu nằm tại chợ đầu mối, chợ tự phát và từ ngoài tỉnh đến mua. Việc ngừng chợ đầu mối khiến “mối lái” không đến đặt mua, rau dư cũng phải tốn công cắt bỏ.

Ông Kết làm nghề trồng rau 20 năm qua nhưng chưa bao giờ khốn đốn như hiện nay

ẢNH: TRẦN TIẾN

“Ngày thường tôi bán khoảng 700 - 800 ký mỗi ngày, nhưng nay bán được khoảng 1/3 là cao. Chừng đó chỉ đủ vốn. Tôi làm hơn 10 năm nay dù có thất mùa cũng không khốn đốn như bây giờ”, ông Phương tâm sự.
Cũng theo ông Phương, một phần do nông dân ít hiểu biết về công nghệ nên không kết nối được với các đơn vị đứng ra hỗ trợ. Phần khác do nhiều năm chỉ tập trung bán tại chợ đầu mối, đến nay chợ đầu mối tại TP.HCM ngưng hoạt động khiến cho bà con nông dân cũng điêu đứng theo.
Hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Kết, 48 tuổi, chủ vườn rau muống tại cánh đồng này cũng không khả quan hơn, khi rất ít thương lái vào mua hàng khiến nhiều sào rau có nguy cơ cắt bỏ. Theo ông Kết, người dân trồng rau tại H.Hóc Môn đều gặp “khó” ở thời điểm này vì không thể đem xe kéo đi bán dạo, thương lái cũng không đến mua. Thậm chí, ông cùng mọi người muốn ủng hộ số rau thừa cho người dân trong khu cách ly hoặc các vùng dịch cũng không biết “ới” ai.

Sẵn sàng ủng hộ số rau còn lại nếu có người nhận

Theo ông Kết, nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn với người nông dân hoặc liên kết để người dân không bỏ phí số nông sản, trong khi giá rau củ quả hiện nay tăng đột biến.
“Giá tôi bán chỉ 7.000 đồng/bó (2,5kg) nhưng có người ra chợ chặt chém trên 30.000 đồng. Nhưng nông dân ở đây bán được rất ít rau. Giờ chỉ cần có người đến nhờ hỗ trợ rau cho khu cách ly thì tôi ủng hộ ngay”, ông Kết nói.

Nông dân cố gắng bán nốt số rau trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16

ẢNH: TRẦN TIẾN

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện UBND xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) cho biết đã nắm tình hình người nông dân gặp khó khi không tiêu thụ được nông sản. Hiện nay, xã đã lập danh sách hỗ trợ phần quà khích lệ tinh thần người dân. Trường hợp nếu thiếu, chính quyền sẽ hỗ trợ thêm cho người dân trong thời gian tới.
“Nếu người dân có mong muốn hỗ trợ rau cho các khu vực cách ly thì liên hệ các tổ dân phố. Địa phương sẽ lập danh sách và đưa đến tay những nơi đang có nhu cầu”, đại diện UBND xã Thới Tam Thôn nói.
Trong sáng 9.7, sau khi nhận được thông tin nhiều nông dân tại H.Hóc Môn điêu đứng vì rau không có nguồn tiêu thụ, đơn vị HTX thương mại nông nghiệp Vân Dương (H.Hóc Môn) liên hệ các nhà hảo tâm trên địa bàn TP.HCM xuống tận các vườn rau hỗ trợ nông dân mua hàng.
Trong buổi sáng, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gần 1 tấn rau (rau muống và rau cải) cho bà con nông dân. Toàn bộ số rau này được chuyển đến các khu phong tỏa cách ly và phân phát cho người dân. Số rau được bà con nông dân bán với giá 3.000 đồng/kg rau muống và 6.000 đồng/kg cải. Ngoài ra, nhiều bà con nông dân còn chủ động giảm giá để giảm bớt chi phí cho các nhà hảo tâm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.