Khai thác cát uy hiếp ĐBSCL

04/03/2022 07:03 GMT+7

Trong khi lượng cát từ sông Mê Kông bồi đắp cho ĐBSCL bị thủy điện chặn gần hết thì khai thác cát vẫn gia tăng đáng ngại tại khu vực này, bất kể bị coi là nguyên nhân chính gây sạt lở, đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh mất nhà cửa.

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy ĐBSCL hiện có 621 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 610 km; trong đó có 320 km bờ sông, bờ biển bị phá hoại ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Nhưng có một nghịch lý là hoạt động khai thác cát dù được coi là một trong những thủ phạm chính gây sạt lở vẫn đang buộc phải gia tăng để đáp ứng nhu cầu phát triển... Sự mất cân bằng giữa lượng cát bồi đắp và nhu cầu cát đang đẩy các tỉnh, thành ĐBSCL vào một thế cực khó còn người dân thì bị sạt lở đe dọa thường trực.

Xà lan chở cát trên sông Hậu, Cần Thơ

Đình Tuyển

Khai thác cát khiến sạt lở trầm trọng hơn

Những vấn đề trên là nội dung chính đưa ra tại hội thảo về xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ở ĐBSCL diễn ra ngày 3.3, tại TP.Cần Thơ. Hội thảo thuộc dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua khai thác cát bền vững ở ĐBSCL”, do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và WWF-Việt Nam thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Tính từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã phải bố trí nguồn vốn riêng phòng chống sạt lở cho các địa phương ĐBSCL trực tiếp quản lý lên tới trên 13.000 tỉ đồng”. Theo ông Tiến, qua một số nghiên cứu cho thấy khai thác cát, sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển, khiến sụt lún ở ĐBSCL nhanh hơn. “Trong bối cảnh đó, các đề tài dự án nghiên cứu sâu về vấn đề khai thác cát không nhiều. Đó là lý do Tổng cục phối hợp với WWF để triển khai dự án quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL”, ông Tiến nói.

Thông tin về thực trạng sạt lở, ông Lê Thanh Chương, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT), cho biết ngay tại thời điểm này, có khoảng 30 hố xoáy sâu khoảng hơn 40 m hình thành rải rác dưới lòng sông Tiền, sông Hậu có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào. Ghi nhận của PV Thanh Niên từ các chi cục thủy lợi các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, trong 3 năm (2018 - 2020) đã có 1.808 ngôi nhà của người dân ở các địa phương này bị sạt lở nhấn chìm xuống sông, xuống biển. Hàng chục ngàn người dân đã bất ngờ trở thành vô gia cư, mất sạch tài sản vì sạt lở. Cũng ở 5 địa phương trên hiện có gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sạt lở như dòng chảy thay đổi, địa chất yếu, xây dựng hạ tầng ven sông, phương tiện giao thông thủy qua lại. Đặc biệt là thủy điện ngăn phù sa và khai thác cát quá mức. Giải thích thêm về sạt lở ở ĐBSCL, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Khi phù sa, cát từ thượng nguồn Mê Kông về giảm mà lượng cát bị lấy đi không kiểm soát thì theo nguyên lý để cân bằng, dòng chảy sẽ phải lấy vào hai bên bờ để bù vào, dẫn dến xói lở. Đó là câu chuyện bồi tụ và lấy đi của dòng chảy”.

Mất cân bằng nguy hiểm

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) cho rằng hiện tại trữ lượng cát sông ở ĐBSCL còn khoảng 66,6 triệu m3 đã được cấp phép với trữ lượng khai thác khoảng 15 triệu m3/năm. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Chương, thực tế lượng cát khai thác hằng năm ở ĐBSCL có thể lên tới 28 triệu m3, vượt xa con số báo cáo.

Trong khi đó, số liệu của Ủy hội Sông Mê Kông cho biết so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Khi có thêm 11 đập dòng chính Mê Kông thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn khoảng 42 triệu tấn/năm. Gần như toàn bộ cát, sỏi sẽ bị thủy điện chặn lại, không thể về ĐBSCL. Điều đó có nghĩa là lượng cát hiện nay có được ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai. Thông cáo của WWF cũng nêu lượng cát ở ĐBSCL đang bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn mỗi năm do khai thác cát và bị giữ lại bởi các đập thủy điện.

Trong bối cảnh phù sa, cát suy giảm, sạt lở gia tăng, khai thác cát thiếu bền vững, các địa phương ĐBSCL đang bị đẩy vào một thế khó là tìm sự cân bằng giữa phát triển và khai thác cát bền vững. Chưa kể hiện còn rất nhiều bất cập trong quản lý khai thác cát như chuyện cát được phân bổ theo dòng sông nhưng lại được cấp phép theo địa giới hành chính, dẫn tới việc “mạnh tỉnh nào tỉnh đó khai thác tận thu”. Ở không ít địa phương vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp ngày càng lớn…

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Anh Thư cho rằng cần nhìn nhận thực tế ĐBSCL là vùng đất trũng có xu thế lún dần; khu vực này đang được đầu tư phát triển, các công trình luôn cần một lượng cát san lấp rất lớn, trong khi các nguồn vật liệu san lấp thay thế hiện chưa có. “Vấn đề chính là cần có sự cân đối, khai thác cát ở đâu, khai thác như thế nào và cách thức khai thác ra sao để hạn chế những tác động. Từ đó mới có thể hướng đến việc phát triển bền vững ĐBSCL”, ông Thư nói. Theo WWF, việc xây dựng ngân hàng cát tức xác định được khoảng chênh lệch giữa lượng cát bồi đắp từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng sẽ là cơ sở cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững cho ĐBSCL.

Dự án khai thác cát bền vững ở ĐBSCL, có các mục tiêu gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát. Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững ở ĐBSCL. Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng. Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.