Nghịch lý thiếu giáo viên, vẫn thừa chỉ tiêu biên chế

08/08/2024 05:40 GMT+7

Khắp nơi thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT ra sức đi xin biên chế nhưng về các địa phương thì năm nào cũng để thừa, thậm chí cả nghìn chỉ tiêu chưa tuyển dụng.

Nơi thì để dành cắt giảm biên chế, nơi thì không có nguồn giáo viên (GV) dạy những môn học còn thiếu.

NƠI NÀO CŨNG THIẾU, NƠI NÀO CŨNG THỪA

Kết thúc năm học 2023 - 2024, Bộ GD-ĐT cho biết hầu hết các địa phương vẫn thiếu GV cục bộ, nhất là GV dạy các môn học mới (tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật). Tình trạng này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Nghịch lý thiếu giáo viên, vẫn thừa chỉ tiêu biên chế- Ảnh 1.

Thiếu giáo viên tiếng Anh ở H.Mù Cang Chải (Yên Bái) nên phải điều động giáo viên biệt phái hoặc dạy trực tuyến

TUỆ NGUYỄN

Cụ thể, tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước còn thiếu 113.491 GV các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế khác nhau; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến cuối năm 2023 cả nước còn hơn 64.000 biên chế GV chưa được tuyển dụng. Mới đây, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng công bố các kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở một số địa phương. Dù mỗi địa phương có thuận lợi, khó khăn riêng nhưng vấn đề chung nhất mà địa phương nào cũng gặp phải là tình trạng thiếu rất nhiều GV nhưng vẫn thừa chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng, thừa từ năm này vắt sang năm khác nhưng GV thiếu thì ngày càng tăng chứ không giảm. Ví dụ, tỉnh Hòa Bình năm học vừa qua vẫn còn 484 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng trong khi lại thiếu 769 GV ở các cấp.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng còn tới 1.176 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng trong khi hầu như cơ sở nào cũng thiếu GV so với định mức, cơ cấu GV các môn học chưa đáp ứng yêu cầu. Ví dụ ở Trường THPT Yên Lục của tỉnh này, năm học 2022 - 2023 thiếu 9 GV thì đến năm học 2023 - 2024 tăng lên là 11 người; ngoài thiếu GV các môn tiếng Anh, tin học thì còn không có GV dạy mỹ thuật, âm nhạc...

Tại Phòng GD-ĐT Lập Thạch (Vĩnh Phúc) hiện còn 89 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng nhưng vẫn thiếu hàng trăm GV, chủ yếu ở cấp tiểu học, THCS.

Tại Cần Thơ, kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT năm học vừa qua cho thấy tình trạng thiếu GV ở một số trường mầm non công lập ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Phòng GD-ĐT H.Thới Lai không có biên chế cho chuyên viên phụ trách ở mỗi cấp học; trưởng phòng GD-ĐT phải kiêm chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn.

Mường Nhé là một trong những huyện thiếu GV nhiều nhất tỉnh Điện Biên với trên 300 GV các cấp. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Mường Nhé cho hay năm học vừa qua được giao 1.306 biên chế. So với biên chế được giao, toàn huyện còn 176 người chưa tuyển dụng. Tuy nhiên, so với biên chế đang thực hiện nhiệm vụ, năm học 2024 - 2025, toàn huyện thiếu 512 người. Trong tháng 6, huyện đã thông báo thu hồ sơ tuyển dụng 98 vị trí việc làm và thực hiện các bước tiếp theo, phấn đấu có GV, nhân viên mới từ ngày 1.9. Dự kiến tháng 10, 11, huyện tuyển thêm 78 biên chế.

Nghịch lý thiếu giáo viên, vẫn thừa chỉ tiêu biên chế- Ảnh 2.

Hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc...

ĐÀO NGỌC THẠCH

THIẾU GV NHƯNG VÌ SAO CỬ NHÂN SƯ PHẠM THẤT NGHIỆP ?

Sau khi Báo Thanh Niên thông tin về tình hình cả nước còn thiếu cả trăm nghìn GV, nhiều bạn đọc phản ánh những câu chuyện cụ thể về việc cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc GV vẫn phải dạy hợp đồng nhiều năm với đồng lương ít ỏi mà chưa vào được biên chế, dẫn đến chán nản bỏ nghề, chuyển nghề.

Nguyên nhân được bạn đọc đề cập thì có nhiều, bao gồm cả những thông tin tiêu cực trong khâu tuyển dụng. Tuy nhiên, các địa phương thì thường nói đến khó khăn trong nguồn tuyển, do trường đào tạo GV chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo chương trình mới...

Khó khăn về nguồn tuyển GV các môn học như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc xảy ra ở hầu khắp các địa phương. Đặc biệt, ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái…, tình trạng này đang rơi vào bế tắc. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Tân Uyên (Lai Châu) cho biết dù có chỉ tiêu biên chế, có chính sách hợp đồng nhưng quá trình tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do mất cân đối cơ cấu bộ môn GV tiểu học. H.Tân Uyên đang thừa GV dạy các môn như văn, toán nhưng thiếu GV ngoại ngữ, tin học do thiếu nguồn tuyển.

H.Phong Thổ (Lai Châu) cũng nằm trong tình trạng này và phải tính đến phương án sắp xếp, dồn dịch các điểm trường hợp lý để đảm bảo công tác giảng dạy. Cùng đó, thực hiện giao nhiệm vụ cho GV dạy liên trường đối với các bộ môn còn thiếu. Đối với môn tiếng Anh có thể tiếp tục dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. H.Mèo Vạc (Hà Giang) cũng phải đưa học sinh từ lớp 3 lên điểm trường chính, ở nội trú để có thể học các môn như tiếng Anh, tin học trực tuyến vì không có nguồn tuyển GV cho các điểm trường.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, cho hay: "Ngành GD-ĐT tiến hành khảo sát số lượng sinh viên là con em các dân tộc trên địa bàn đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để trao đổi thông tin 2 chiều về nhu cầu tuyển dụng với mong muốn tư vấn các em định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng khi có dự định chuyển đổi ngành học để dự tuyển GV tại địa bàn".

Nghịch lý thiếu giáo viên, vẫn thừa chỉ tiêu biên chế- Ảnh 3.

Năm học tới, học sinh các cấp học theo chương trình mới. Chương trình GDPT mới (năm 2018) có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại Thanh Hóa, so với định mức quy định của Bộ GD-ĐT, toàn tỉnh còn thiếu gần 11.000 GV. Báo cáo trước HĐND tỉnh, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho rằng nguyên nhân dẫn đến thiếu GV trên địa bàn là do T.Ư giao biên chế cho tỉnh thấp. Ngoài ra, những năm trước đây không thực hiện tuyển dụng để bổ sung cho số GV nghỉ hưu. Hiện nay đã có cơ chế tuyển GV nhưng một số huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao hoặc phải cân đối bù trừ giữa việc thừa, thiếu GV các cấp học.

Bên cạnh đó, theo ông Thức, do Chương trình GDPT mới (năm 2018) có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Về lâu dài, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Nội vụ tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn tuyển phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Tại Quảng Trị, Sở GD-ĐT cho biết đến nay số biên chế chưa sử dụng là 280 người. Trong đó có 162 chỉ tiêu dành để cắt giảm do tinh giản biên chế của năm 2024 theo lộ trình được UBND tỉnh phê duyệt (giảm trước ngày 1.1.2025).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhiều lần nhắc đến nghịch lý dù ngành giáo dục tha thiết đi xin chỉ tiêu biên chế nhưng khi giao về địa phương thì nhiều nơi không dám tuyển vì để dành chỉ tiêu trừ đi các suất thuộc diện tinh giản biên chế, nhiều địa phương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp còn thực hiện cơ học.

Trong khi đó, các địa phương đề nghị Bộ Nội vụ không nên áp tinh giản biên chế cơ học 10% đối với ngành giáo dục; cần tạo hành lang pháp lý để thực hiện chính sách ưu đãi về tiền lương nhằm thu hút nhà giáo… (còn tiếp)

Yêu cầu các địa phương tuyển dụng hết chỉ tiêu được giao

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV nhưng vẫn thừa hơn 64.000 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng. Trong đó có việc ở một số môn học như ngoại ngữ, tin học, công nghệ, nghệ thuật... hoặc một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn tuyển; một số địa phương thực hiện cắt giảm cơ học 10% chỉ tiêu biên chế hoặc không thực hiện tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã thực hiện một số giải pháp như xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các trường mầm non, phổ thông là cơ sở cho các đơn vị, địa phương xác định số người làm việc ở mỗi cơ sở giáo dục. Giải pháp thứ hai, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền bổ sung gần 66.000 biên chế GV cho giai đoạn 2021 - 2026; phân bổ chỉ tiêu biên chế và đôn đốc các địa phương thực hiện (đến năm học 2023 - 2024 đã phân bổ gần 56.000 chỉ tiêu biên chế cho các địa phương; đã tuyển được hơn 40.000 GV mới). Bộ cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện tuyển dụng GV đảm bảo đủ số lượng biên chế đã được giao...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.