Nghịch lý thoát nước ở Đà Lạt

19/06/2015 09:31 GMT+7

Thời gian gần đây ở phố núi Đà Lạt, hễ có mưa lớn là ngập, trong khi nhà nước đầu tư tiền tỉ cho các công trình thoát nước.

Thời gian gần đây ở phố núi Đà Lạt, hễ có mưa lớn là ngập, trong khi nhà nước đầu tư tiền tỉ cho các công trình thoát nước.

Cảnh ngập lụt ở hẻm 195 Phan Đình Phùng, TP.Đà Lạt
Cảnh ngập lụt ở hẻm 195 Phan Đình Phùng, TP.Đà Lạt
TP.Đà Lạt đầu tư hàng chục tỉ đồng để nạo vét khôi phục hồ Mê Linh, P.9 và xây dựng đập, cầu với hy vọng khắc phục được tình trạng thường xuyên ngập lụt ở khu vực đường Ngô Văn Sở. Thế nhưng có một nghịch lý, sau khi hoàn thành việc nạo vét hồ, xây thêm cống thoát nước thì khu vực này lại chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng hơn. Bà Phạm Thị Tơ (ngụ khu Mê linh, TP.Đà Lạt), cho biết: “Trước khi cải tạo hồ Mê Linh, khu vực cầu Ngô Văn Sở chỉ bị ngập lụt nhẹ những khi mưa lớn, nhưng từ khi cải tạo hồ Mê Linh xong thì lại liên tục bị ngập lụt nặng hơn, không rõ lý do gì, người dân chúng tôi rất khổ sở…”. Ông Trần Đức Phúc (ngụ đường Ngô Văn Sở) nói thêm: “Tôi thấy cầu Ngô Văn Sở quá thấp, nên mỗi khi mưa lớn nước kéo theo rác thải nông nghiệp từ thượng lưu về bám vào thành cầu làm thành vật cản nên tình trạng ngập lụt liên tục xảy ra. Mặt khác, 6 cống dẫn nước từ suối vào hồ Mê Linh bị nghẹt hết 4 cống, nên nước thoát không kịp càng làm cho tình trạng ngập lụt thêm nghiêm trọng. Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng chưa được quan tâm”.
Tương tự, các khu vực dân cư dọc hai bên suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly cũng thường xuyên chịu cảnh ngập nước. Dù tỉnh Lâm Đồng đã hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng kè đá kiên cố 2 bên dòng suối này. Cơn mưa chiều 1.6, làm ngập lụt hơn 100 căn nhà dọc suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly; 17 hộ sau chung cư Mạc Đĩnh Chi- Hoàng Văn Thụ bị ngập nước, trong đó có 9 hộ nước ngập cao từ 1,5m- 1,7m. Theo ông Phan Văn Quốc (ngụ 30 Hoàng Văn Thụ), trước đây sau chung cư Mạc Đĩnh Chi có mương thoát nước xây bằng đá chẻ rất lớn, nhưng sau khi xây chung cư đơn vị thi công lại chôn cống chìm đổ đất lên làm đường đi, cho nên nước từ trên đồi cao chảy xuống thoát không kịp, dẫn đến tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, chiều 1.6 có nhà mức nước dâng cao gần 2m, thật khủng khiếp.
Tại khu sản xuất nông nghiệp ở Thánh Mẫu, P.7 (Đà Lạt), cũng thường xuyên xảy ra cảnh ngập lụt. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Tổ trưởng tổ Thánh Mẫu 2, nguyên nhân do hồ Vạn Kiếp bị bồi lắng chưa được nạo vét theo qui hoạch của thành phố, thì lại bị một số hộ dân chở đất lấp lòng hồ để sản xuất nông nghiệp. Bà con trong tổ Thánh Mẫu nhiều lần phản ánh với chính quyền phường 7 nhưng không hiểu sao tình trạng đổ đất lấp hồ vẫn chưa chấm dứt. Mặt khác lòng suối Thánh Mẫu bị thu hẹp chưa được cải tạo và nạo vét kịp thời.
Vì sao hồ Mê Linh vừa được đầu tư xong nhưng vẫn không điều tiết được lũ ở khu vực? Ông Trần Văn Việt, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết: “Hồ Mê Linh là hồ cảnh quan, môi trường nên chức năng điều tiết lũ không được bao nhiêu, mưa lớn là hồ đầy nước liền”. Ông Việt thừa nhận thành phố có dự án khôi phục hồ Vạn Kiếp, nhưng đất ở khu vực quy hoạch hồ này đã bị dân lấn chiếm làm nông nghiệp rất nhiều. Cũng theo ông Việt, TP. Đà Lạt không có dự án tổng thể về thoát nước, hầu như chỉ làm theo từng dự án đầu tư. Để hạn chế tình trạng ngập lụt, thành phố có chương trình khắc phục từng bước hệ thống mương cống, chỗ nào chưa đảm bảo thì xử lý dần; cống nhỏ thì mở rộng, cầu nhỏ làm lại, đất trống thì phủ xanh để chống xói lở; đồng thời kiểm tra thường xuyên tìm nguyên nhân gây ngập để xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.