Tuy Sở TN-MT, Công an tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và xử phạt 300 triệu đồng, sau đó Sở Xây dựng Bình Thuận cũng đưa ra mức phạt 50 triệu đồng đối với chủ đầu tư là Công ty CP Thiên Hải, nhưng những hình ảnh mặt tiền hướng biển của Hòn Rơm bị băm nát và kịp nén xuống 24 khối móng khi chưa có giấy phép xây dựng lại đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm giám sát kịp thời của cơ quan chức năng địa phương.
Muộn trong xử lý sai phạm xây dựng dự án bất động sản và khu nghỉ dưỡng sai phép, thực tế đó đang xảy ra ở nhiều địa phương, không riêng ở Phan Thiết. Mới đây, hàng loạt dự án phân lô bán nền và xây dựng biệt thự trái phép diễn ra rầm rộ tại Bảo Lộc, Bảo Lâm (Lâm Đồng) khiến quỹ đất nông nghiệp của vùng trồng trà truyền thống bị biến dạng. Có những vụ như Báo Thanh Niên đã phản ánh (Đại công trường “xẻ thịt” đất lâm nghiệp, hay vụ xây dựng làng biệt thự trái phép dưới chân núi Voi, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) vào năm 2020 nhưng cho đến năm 2021, tình trạng tương tự vẫn tiếp diễn tại các địa phương của tỉnh này với quy mô lớn hơn, nhiều hơn.
Qua thông tin báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng đã có những động thái xử phạt chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm luật Xây dựng, luật Tài nguyên môi trường...; thậm chí một số cán bộ quản lý ở địa phương bị kiểm điểm, kỷ luật khi để các sai phạm xảy ra. Nhưng có vẻ như mức xử phạt với nhà đầu tư vi phạm là quá nhẹ so với nguồn lợi thu được từ các dự án đang lúc thị trường “dầu sôi lửa bỏng”.
Ở những địa phương phát triển nóng bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng như Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa... gần đây, các vụ vi phạm trong quản lý đất đai làm thất thoát tài nguyên môi trường diễn ra nhiều hơn, với quy mô lớn hơn. Điều đáng nói là sự kiểm soát, giám sát của cơ quan chức năng địa phương không được chủ động và thường xuyên.
Tài nguyên thiên nhiên và quỹ đất nông nghiệp làm nên đặc thù cảnh quan và cấu trúc kinh tế riêng của từng địa phương, được bảo vệ bằng hệ thống luật định, nhưng đang bị san gạt, phân lô vội vàng qua một số dự án với sự thông qua của cơ quan chức năng địa phương. Một khi việc đã rồi, các bên liên đới có bị xử phạt, kiểm điểm, khiển trách, thậm chí cách chức thì tài nguyên cũng đã bị tổn hại nặng nề, biến mất vĩnh viễn.
Trước thực tế nhức nhối đó, không còn cách nào khác là phải nghiêm minh hơn nữa, tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và xử lý rốt ráo những vi phạm.
Bình luận (0)