Từ Đề cương đến di sản phi vật thể đại diện
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trường ĐH Sài Gòn, trong bài viết gửi Hội thảo Đề cương về văn hóa VN - Khởi nguồn và động lực phát triển (Hà Nội, tháng 2.2023) đã nhắc lại nghiên cứu của PGS - nhạc sĩ Tô Vũ về âm nhạc truyền thống. Nghiên cứu có đoạn: "Vào đầu thế kỷ 20, sau nhiều năm Pháp thuộc, một thực tế đáng buồn đối với âm nhạc truyền thống VN là: nhạc cung đình Huế hầu như tan rã, nhạc lễ dân gian còn lại một phường bát âm èo uột ở miền Bắc, ca trù biến thành hát "cô đầu" Khâm Thiên, và nhiều nghệ nhân chèo, tuồng giải nghệ hàng loạt".
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm còn nhắc lại con đường nghiên cứu của nhạc sĩ Tô Vũ. Theo đó, chỉ tới năm 1943, được soi sáng bằng Đề cương về văn hóa VN (Đề cương) cũng như được trao đổi với nhà nghiên cứu chèo cổ Nguyễn Xuân Khoát hay những bài quan họ mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc sưu tầm được, thì tình yêu với âm nhạc dân tộc truyền thống của ông Tô Vũ mới đến, như "một cú sét". Trước đó, nhạc sĩ Tô Vũ tự thấy mình chỉ quen thuộc với âm nhạc phương Tây mà ít biết về âm nhạc truyền thống.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Đề cương đã khởi đầu cho hoạt động sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền. Năm 1950, theo Sắc lệnh số 172-SL của Chính phủ VN Dân chủ cộng hòa, Vụ Văn học nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục được thành lập. Trong đó có Ban Âm nhạc, ban này đảm nhiệm chức năng vừa sưu tầm nghiên cứu âm nhạc, vừa đào tạo xây dựng đội ngũ. Năm 1955, Ban Nghiên cứu âm nhạc được thành lập. Những làn điệu chèo cổ đã được sưu tập, các vở chèo được trình diễn, nhiều công trình được hoàn thành: Sưu tập chèo cổ của Tô Vũ; Cải tiến sáo trúc của Tô Vũ, Xuân Thu, Xuân Lôi; Đại cương về âm nhạc chèo cổ của Tô Vũ… Các thành tựu nghiên cứu khác phải kể đến Hát xoan của Tú Ngọc; Hát ghẹo của Nguyễn Đăng Hòe…
Cũng theo PGS-TS Liêm, dưới ánh sáng của Đề cương, việc dày công sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bồi đắp, xây dựng… âm nhạc truyền thống - dân tộc VN đã bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc cổ truyền và phát triển mạnh mẽ trong đời sống hiện nay. Bà Liêm cho biết: "Điểm nổi bật của thành tựu đó là đã có 10 di sản âm nhạc hoặc liên quan đến âm nhạc được UNESCO ghi danh di sản phi vật thể đại diện, âm nhạc cổ truyền của 54 dân tộc VN được quan tâm sưu tầm nghiên cứu; hàng nghìn bài bản, nhạc khí được thu thập, thực hành, trao truyền và đào tạo".
Kiểm kê, nghiên cứu kho di sản
Không chỉ di sản âm nhạc, các di sản truyền thống khác như nghề truyền thống, trang phục truyền thống, khu di tích, các phong tục… cũng là đối tượng mà Đề cương muốn giữ gìn và phát huy. Những di sản này cũng đang được phát huy, dù đâu đó còn có bất cập.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, thì tâm đắc với việc nghiên cứu phát huy di sản áo dài, di sản mà ông cho là đặc thù của cố đô Huế. "Trong thời Nguyễn, Huế là kinh đô đất nước, và cũng xứng là kinh đô áo dài của VN bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục, phẩm phục dành cho vua chúa, hoàng gia, quan lại quý tộc; nhung phục dành cho võ quan, binh lính; tế phục, tang phục và thường phục dành cho mọi tầng lớp nhân dân, nhưng nổi bật nhất vẫn là loại áo ngũ thân tay rộng (áo tấc), ngũ thân tay chẽn và áo Nhật Bình…", ông Hải nói và cho biết Huế vẫn đang vận dụng tư tưởng của Đề cương để bảo tồn di sản áo dài, phát triển Huế thành "kinh đô áo dài". "Phục hưng áo dài là để từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế", ông Hải nói.
Trong khi đó, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu các di sản khảo cổ học, cũng như di sản phi vật thể liên quan đến di sản Hoàng thành Thăng Long để có thể phát huy chúng tốt hơn theo tinh thần Đề cương. Những di sản sau khi được nghiên cứu, công bố nghiên cứu, sẽ trở nên gần gũi hơn với công chúng. Việc tái hiện các nghi lễ, lễ hội xưa cũng giúp công chúng hiểu hơn về đời sống của cha ông.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, việc kiểm kê lại các di sản truyền thống giúp chúng ta biết hiện trạng của chúng. Từ hiện trạng, các giải pháp để "giải cứu" di sản cần thiết sẽ được đề ra. Chính vì thế, chúng ta có di sản hát xoan đã được đưa ra khỏi danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO để chuyển sang danh sách Di sản phi vật thể đại diện cũng của tổ chức này.
Mặc dù vậy, việc kiểm kê, bảo tồn, phát triển di sản truyền thống không hẳn đã như mong muốn, như tinh thần Đề cương. Tại nhiều nơi, chính sách cho nghệ nhân các ngành nghề, hay nghệ thuật truyền thống vẫn chưa có. Việc truyền dạy liên quan đến di sản không phải lúc nào cũng tốt. "Việc nghiên cứu, tạo chính sách bảo tồn cần được làm tốt hơn, trước khi quá muộn", PGS-TS Đặng Văn Bài nói.
Bình luận (0)