Nghiên cứu khoa học của Trung Quốc 'đánh lận' bản đồ Biển Đông phi pháp

04/02/2021 09:00 GMT+7

Từ phản ánh của bạn đọc, Thanh Niên đã tìm thấy nhiều nghiên cứu khoa học xuất phát từ Trung Quốc được đăng tải tại Mỹ đã “đánh lận” bản đồ phi pháp về Biển Đông.

Mới đây, bạn đọc Thanh Niên đã phản ánh về tình trạng trên. Theo đó, các nghiên cứu bị phản ánh được thể hiện trang dữ liệu nghiên cứu của Trung tâm quốc gia về thông tin công nghệ sinh học (NCBI) thuộc Thư viện quốc gia về dược của Viện Nghiên cứu y tế quốc gia - Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.

Gom trọn Hoàng Sa và Trường Sa

Kiểm tra thực tế trang dữ liệu trên, nhiều nghiên cứu khoa học về chuyên ngành y và dược đã đính kèm bản đồ Trung Quốc. Trong đó, có bản đồ nếu không thể hiện “đường lưỡi bò”, thì cũng thể hiện toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Những bản đồ đó được thể hiện bởi một số công trình khoa học như: Nghiên cứu về cách sử dụng cây thuốc trong y học dân tộc của người Mao Nam (Trung Quốc), Nghiên cứu về cách sử dụng cây thuốc trong y học dân tộc của người Mulam ở Quảng Tây (Trung Quốc)... cho đến nghiên cứu về sử dụng cây thuốc trong y học dân tộc ở huyện Mêdog (thuộc khu tự trị Tây Tạng)... Hầu hết các nghiên cứu khoa học trên đều được thực hiện bởi các chuyên gia của một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc.
Sau khi phát hiện các nội dung trên, Thanh Niên đã phản ánh với NCBI. Qua đó, Thanh Niên khẳng định tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với Biển Đông và bản đồ đều phi pháp, đã bị Tòa trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ vào năm 2016, đồng thời chính quyền Mỹ cũng đã đưa ra thông cáo bác bỏ.
Tuy nhiên, NCBI phản hồi rằng các nội dung trên nằm trong phần dữ liệu tham khảo, được dẫn từ Journal of Ethnobiology and Ethnomedicine (tạm dịch Chuyên san Dân tộc học và Y học dân tộc) của nhà xuất bản Springer Nature (có trụ sở chính tại Anh). Bên cạnh đó, NCBI cũng nhấn mạnh việc lưu trữ các nghiên cứu trên không đồng nghĩa với việc thừa nhận tuyên bố chủ quyền hay bản đồ chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với Biển Đông.
Thanh Niên tiếp tục liên hệ với phía Springer Nature thì cũng nhận được phản hồi rằng việc đăng tải nghiên cứu trên không đồng nghĩa với việc thừa nhận tính pháp lý của các bản đồ trên.
Nghiên cứu khoa học của Trung Quốc 'đánh lận' bản đồ Biển Đông phi pháp1
Nghiên cứu khoa học của Trung Quốc 'đánh lận' bản đồ Biển Đông phi pháp2

Các bản đồ phi pháp được thể hiện trong một số nghiên cứu khoa học đăng tải trên NCBI

ẢNH: NCBI

Đủ chiêu trò tuyên truyền

Những năm gần đây, bản đồ “đường lưỡi bò” dù đã bị tuyên bố phi pháp nhưng vẫn được Trung Quốc lồng ghép vào nhiều ấn phẩm như sách, tài liệu nghiên cứu, bản đồ... lẫn phim ảnh, đồ chơi trẻ em... Cụ thể như Thanh Niên từng phản ánh, bộ đồ chơi “Bản đồ cắm cờ thế giới” được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee đã thể hiện “đường lưỡi bò” ở khu vực Biển Đông.
Thời gian qua, để phục vụ cho nỗ lực tuyên truyền trên, Trung Quốc đã tung tiền đầu tư vào các hãng phim ở Hollywood (Mỹ) rồi lồng ghép nội dung sai trái vào phim ảnh. Điển hình như phim Everest - Người tuyết bé nhỏ (Abominable), có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, là một sản phẩm do Công ty Pearl của Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng DreamWorks của Hollywood.
Các sản phẩm có nội dung sai trái trên đang được Bắc Kinh ra sức đẩy mạnh khắp thế giới. Vào tháng 8.2020, tờ The Guardian đưa tin bản đồ “đường lưỡi bò” hiện diện trong sách ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Trung Quốc, được sử dụng trong giảng dạy tại ít nhất 11 trường trung học phổ thông ở bang Victoria (Úc). Sau khi bị phát hiện, nhà xuất bản đã phải thu hồi số sách trên và đưa ra lời xin lỗi.
Thậm chí, vào tháng 3.2020, lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 bùng nổ, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng hình vẽ cổ động tinh thần chống dịch Covid-19, nhưng có cả phần bản đồ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Bức ảnh được chú thích là của nữ họa sĩ Aurora Cantone (Ý). Tuy nhiên, sau các phản ứng của cộng đồng mạng Việt Nam và cả nhiều người trên thế giới phẫn nộ, nữ họa sĩ lên tiếng khẳng định mình không phải là tác giả của bức tranh cổ động.
Chính vì thế, như nhận xét của nhiều chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc đang làm mọi cách để tuyên truyền bản đồ phi pháp trên, như một phần trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.