Nghiên cứu: Làm điều đơn giản này trước bữa ăn không lo đường huyết tăng

03/11/2022 00:08 GMT+7

Nghiên cứu phát hiện chỉ 6 phút tập thể dục cường độ cao trước bữa ăn có thể giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục cường độ cao trong thời gian ngắn - được gọi là "tập thể dục vặt" - trước bữa ăn có thể giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị kháng insulin, theo nhật báo Anh Express.

Nghiên cứu phát hiện chỉ 6 phút tập thể dục cường độ cao trước bữa ăn có thể giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu

Shutterstock

Bệnh nhân tiểu đường luôn phải cẩn thận trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Và mọi người đều đã biết rằng chế độ ăn uống đóng góp một phần vào điều này, tuy nhiên, một chuyên gia đã chỉ ra rằng tập thể dục chỉ vài phút cũng có vai trò quan trọng.

Chuyên gia Rory Batt, nhà dinh dưỡng người Anh, cho biết: Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm soát lượng đường trong máu, vì không tốn kém, có thể tập theo nhiều cách ở mọi mức độ, liều lượng.

Tập thể dục khiến lượng đường được sử dụng làm năng lượng nhiều hơn và làm cho các tế bào hấp thụ đường từ máu hiệu quả hơn.

Ông đã rút ra điều này từ kết quả của một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí y khoa của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường châu Âu Diabetologia - đã khám phá tác dụng của “tập thể dục vặt”.

Mục đích của nghiên cứu là để tìm hiểu xem liệu với người bị kháng insulin - chỉ vài phút tập thể dục cường độ cao trước mỗi bữa ăn, gọi là “tập thể dục vặt” - có giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn so với bài tập thể dục kéo dài, liên tục, cường độ vừa phải hay không.

Trong nghiên cứu, những người tham gia thực hiện 3 kiểu bài tập khác nhau trong 3 ngày.

Ngày 1 - Tập thể dục truyền thống: 30 phút đi bộ lên dốc cường độ vừa phải trước bữa tối.

Ngày 2 - “Tập thể dục vặt”: 6 lần, mỗi lần đi bộ lên dốc cường độ cao trong 1 phút, khoảng 30 phút trước mỗi bữa ăn.

Ngày 3 - Tập kết hợp: Bao gồm 6 lần - mỗi lần 1 phút, tập xen kẽ giữa đi bộ và bài tập sức đề kháng, vào 30 phút trước bữa ăn.

Thông thường, mức đường huyết thường tăng lên sau khi ăn

Shutterstock

Kết quả đã phát hiện tập thể dục vặt giúp giảm mức đường huyết sau ăn trong suốt 3 giờ sau bữa ăn sáng. Và hiệu quả hơn so với tập thể dục truyền thống trước bữa ăn tối.

Nghiên cứu kết luận: Tập thói quen chỉ vài phút “tập thể dục vặt” cường độ cao trước bữa ăn là cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian để cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở những người bị kháng insulin.

Ví dụ về tập cường độ cao như chạy, đi bộ nhanh, leo cầu thang, nhảy dây.

Mức đường huyết thường tăng lên sau khi ăn như thế nào?

Thông thường, mức đường huyết thường tăng lên sau khi ăn như sau:

Ở người khỏe mạnh: Tăng từ <100 mg/dL lên <140 mg/dL

Ở người tiền tiểu đường: Tăng từ 100 - 125 mg/dL lên 199 mg/dL

Ở người tiểu đường: Tăng từ 126 mg/dL hoặc hơn lên 200 mg/dL hoặc hơn, theo Hiệp hội Tiểu đường Anh Diabetes UK.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.