Nghiên cứu mới: Một loại thuốc nhỏ mắt có thể ngăn ngừa cận thị ở trẻ

20/02/2023 00:08 GMT+7

Theo một nghiên cứu mới, được công bố hôm 14.2 trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ JAMA, thuốc nhỏ mắt Atropine thường được sử dụng trước khi khám mắt - có thể làm chậm quá trình phát triển cận thị ở trẻ em.

Nghiên cứu cho biết loại thuốc vốn được sử dụng để làm giãn cơ mắt và làm giãn đồng tử trước khi khám mắt này có thể ngăn ngừa cận thị ở trẻ em, theo chuyên trang y tế của Mỹ WebMD.

Khoa học chứng minh một loại thuốc nhỏ mắt có thể ngăn ngừa cận thị ở trẻ - Ảnh 1.

Những trẻ sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine ít có nguy cơ bị cận thị hơn

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Khoảng 30 - 40% dân số bị cận thị. The Wall Street Journal đưa tin, đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên gần 60%, bởi mọi người ngày càng sử dụng màn hình điện tử nhiều hơn. Cận thị nặng có thể dẫn đến bong võng mạc, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

Các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông đã xem xét 353 trẻ em từ 4 đến 9 tuổi không có vấn đề về thị lực.

Họ cho một nhóm dùng giả dược và 2 nhóm dùng thuốc Atropine nhỏ mắt mỗi đêm trong 2 năm.

Kết quả đã phát hiện ra rằng những trẻ sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine ít có nguy cơ bị cận thị hơn, theo WebMD.

Khoa học chứng minh một loại thuốc nhỏ mắt có thể ngăn ngừa cận thị ở trẻ - Ảnh 2.

Sự khởi phát của cận thị thường tiến triển nhanh ở người trẻ

SHUTTERSTOCK

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc trì hoãn sự khởi phát của cận thị - thường tiến triển nhanh ở người trẻ, có thể làm cho tình trạng này bớt nghiêm trọng hơn khi trưởng thành.

Tiến sĩ Nimesh Patel, bác sĩ của Trường Y Harvard (Mỹ), dù không tham gia nghiên cứu, cũng cho hay thuốc nhỏ Atropine giúp mọi người tránh cận thị. Nhưng vẫn chưa biết chính xác bằng cách nào những giọt thuốc này có thể ngăn chặn cận thị.

Hiện các nhà khoa học muốn nhân rộng nghiên cứu với quy mô lớn hơn và tìm hiểu xem liệu phương pháp này chỉ có thể trì hoãn cận thị hay ngăn chặn hoàn toàn, theo WebMD.

Lưu ý: Bạn không được tự ý dùng thuốc Atropine cho mình hoặc cho trẻ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.