Nghiên cứu mới phát hiện thêm một cách tuyệt vời để tránh bệnh tiểu đường

22/09/2022 00:07 GMT+7

Những người ngủ sớm dậy sớm, sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng nhiều hơn. Do đó, việc tích tụ chất béo ít xảy ra, dẫn đến ít nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn.

Ngược lại, người thức khuya dậy muộn, còn được gọi là “cú đêm”, có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn, một nghiên cứu mới phát hiện.

Nghiên cứu mới cho thấy, “cú đêm” có thể gây tích tụ chất béo trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers - Bang New Jersey (Mỹ), đã phát hiện ra rằng “cú đêm” có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường do tác hại của lịch trình ngủ bất thường đối với sự trao đổi chất.

Những người ngủ sớm dậy sớm, sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng khi nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhiều hơn. Do đó, việc tích tụ chất béo ít xảy ra, dẫn đến ít nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn.

Người thức khuya dậy muộn, còn được gọi là “cú đêm”, có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn

Shutterstock

Nghiên cứu này bổ sung vào các nghiên cứu trước đó về mối liên quan giữa thời gian ngủ với sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Sự khác biệt về chuyển hóa chất béo giữa 2 nhóm thức khuya và ngủ sớm cho thấy nhịp sinh học của cơ thể - nghĩa là chu kỳ thức ngủ, có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin, tiến sĩ Steven Malin, phó giáo sư chuyên về trao đổi chất tại Đại học Rutgers cho biết.

Khả năng nhạy insulin hoặc kháng insulin có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe.

Nghiên cứu này giúp mọi người hiểu được nhịp sinh học ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.

Nghiên cứu, được công bố hôm 20.9 trên tạp chí nghiên cứu Experimental Physiology, đã thu thập dữ liệu từ 51 người tham gia.

Những người này được chia thành 2 nhóm dựa trên thói quen ngủ của họ. Mỗi người tham gia được ăn một chế độ ăn có kiểm soát về lượng calo và các yếu tố dinh dưỡng khác.

Họ cũng không ăn vào ban đêm để quá trình trao đổi chất trong giấc ngủ của họ không ảnh hưởng đến kết quả.

Những người tham gia được kiểm tra ở 3 khoảng thời gian khác nhau, khi nghỉ ngơi, sau khi tập thể dục vừa phải, sau khi tập thể dục cường độ cao. Và được theo dõi trong một tuần.

Dậy sớm có nhiều khả năng sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng khi nghỉ ngơi hoặc tập thể dục hơn

Shutterstock

Kết quả đã phát hiện, nhóm ngủ sớm dậy sớm nhạy hơn với insulin, có nghĩa là cơ thể họ không cần nhiều insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu, theo Daily Mail.

Ngược lại, “cú đêm” kháng insulin - cần nhiều insulin hơn để kiểm soát lượng đường. Đây là một yếu tố nguy cơ rõ ràng của bệnh tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người dậy sớm và vận động sớm có nhiều khả năng có lối sống lành mạnh hơn giúp họ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.

Tiến sĩ Malin cho biết: Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng nhóm ngủ sớm dậy sớm hoạt động thể chất nhiều hơn và có mức độ thể lực cao hơn nhóm “cú đêm” ít vận động suốt cả ngày.

Những người hoạt động trong ngày có nhiều khả năng sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng hơn. Chất béo tích tụ trong cơ thể cũng là một yếu tố nguy cơ rõ ràng của bệnh tiểu đường loại 2, theo Daily Mail.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.