Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học California San Diego về tác động của tia cực tím (UV) trong máy sấy móng tay đã được bình duyệt và đăng trên chuyên san Nature Communications ngày 17.1, theo CNN.
Nhóm tác giả kết luận rằng các thiết bị làm khô móng tay sau khi sơn bằng ánh sáng UV có thể gây lo ngại về sức khỏe nhiều hơn mọi người nghĩ. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các loại máy này khiến tế bào bị chết và gây các đột biến có thể gây ung thư trong tế bào người.
Ánh sáng cực tím từ máy sấy móng tay được cho là khiến tế bào bị chết và gây đột biến |
Ảnh chụp màn hình CNN |
Các nhà nghiên cứu chiếu ánh sáng UV vào tế bào người và chuột. Sau 20 phút, lượng tế bào chết lên đến 20-30%. Ba lần chiếu 20 phút liên tiếp khiến 65-70% tế bào chết đi. Số tế bào còn lại bị tổn thương ADN, gây các đột biến mà diễn tiến của chúng đã được quan sát trên người ung thư da.
Ánh sáng UV có bước sóng từ 10-400 nanomét. Máy hấp móng tay là thiết bị phổ biến trong các tiệm làm móng (nail) và thường sử dụng tia UV có bước sóng 340-395 nanomét để làm khô sơn móng tay.
Giường làm da nâu nhân tạo sử dụng ánh sáng UV có bước sóng 280-400 nanomét và đã được chứng minh là có chất sinh ung thư, theo các nhà nghiên cứu.
“Nếu bạn nhìn vào cách giới thiệu những thiết bị này, chúng được quảng cáo là an toàn, không có gì phải lo ngại. Nhưng theo những gì chúng tôi biết, cho đến nay chưa ai thật sự nghiên cứu những thiết bị này và cách chúng ảnh hưởng tế bào người ở mức phân tử và tế bào”, một trong số tác giả nghiên cứu, phó giáo sư kỹ thuật sinh học, y học phân tử và tế bào Ludmil Alexandrov tại Đại học California San Diego nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ da liễu Julie Russak, người thành lập phòng khám Russak Dermatology Clinic tại New York, cho rằng hạn chế lớn nhất của nghiên cứu trên là việc phơi nhiễm ánh sáng UV lên các dòng tế bào khác với phơi nhiễm thực tế trên người và động vật. “Hầu hết ánh sáng UV được lớp ngoài cùng của da hấp thụ. Việc đó hơi khác so với khi bạn chiếu ánh sáng trực tiếp vào các tế bào trong đĩa petri (dụng cụ nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm), vì không có sự bảo vệ từ da, từ các tế bào corneocyte hay các lớp ngoài của da", bà Russak nói.
Mặt khác, tiến sĩ Shari Lipner về da liễu lâm sàng, trưởng khoa nail tại Bệnh viện New York-Presbyterian, cho rằng kết quả nghiên cứu mới cộng với những bằng chứng trước đó về mối liên hệ giữa máy sấy bằng tia cực tím với ung thư da, nên được xem như lời cảnh báo đối với người thường xuyên sơn móng tay. “Chúng ta chắc chắn nên suy nghĩ kỹ hơn về việc phơi tay dưới ánh sáng UV mà không có sự bảo vệ nào”, bà Lipner nói. Bà Lipner và bà Russak không liên quan đến nghiên cứu nói trên.
Bình luận (0)