Nghiên cứu ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh

10/10/2024 15:33 GMT+7

Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Từ cuối năm 2023, ngành thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của người nộp thuế (NNT) bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn (15.602 tỉ đồng). Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỉ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh (đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do NNT chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).

Nghiên cứu ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh- Ảnh 1.

Cơ quan thuế tăng cường biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế

ẢNH: NGỌC THẮNG

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, ngành thuế cũng đã tiếp nhận được những ý kiến của doanh nghiệp (DN) và NNT cho rằng đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Điển hình như khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật chỉ là người lao động làm thuê cho DN, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của DN. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.

Dù Tổng cục Thuế khẳng định "Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể". Nhưng một số cán bộ thuế phải chờ hướng dẫn chứ không biết trường hợp nào thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh NNT.

Vì thế Tổng cục Thuế sẽ tiếp nhận và nghiên cứu kiến nghị về ngưỡng nợ thuế khi cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế tạm hoãn xuất cảnh.

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng cần sớm đưa ra ngưỡng nợ thuế bao nhiêu mới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Mặc dù đây là biện pháp giúp cơ quan thuế xử lý được nợ đọng trong thời gian qua nhưng khi áp dụng luật một cách đại trà cũng chưa đúng.

Đã thu 1.844 tỉ tiền thuế từ người đang bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế

Ông Nguyễn Ngọc Tú phân tích, Điều 124, luật Quản lý thuế quy định: "Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh". Ở đây có dùng từ "có thể" nên cũng cần quy định rõ là lúc nào thì áp dụng, lúc nào không. Ngưỡng nợ thuế bao nhiêu thì cơ quan thuế có thống kê và quy định. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể áp dụng tạm hoãn xuất cảnh như doanh nghiệp mua bán hóa đơn; doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày và bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh; nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thực hiện thu được… "Quan trọng nhất là NNT phải tiếp nhận được công văn mà cơ quan thuế chuyển cho an ninh cửa khẩu về việc tạm hoãn xuất cảnh", ông Tú nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.