Nghiên cứu rút ngắn các khâu liên quan sản xuất vắc xin

08/06/2021 04:46 GMT+7

Ngày 7.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam để tháo gỡ khó khăn trong công tác này.

Vừa thúc đẩy mua, vừa chủ động sản xuất

Nhắc lại việc vắc xin là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và phòng chống dịch Covid-19 nói riêng, Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh đại dịch, chúng ta vừa phải giải quyết các bài toán cấp bách, trước mắt, vừa phải tính toán các vấn đề lâu dài, chiến lược.
Theo đó, trong khi tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn thì việc cùng với tiếp tục thúc đẩy việc mua vắc xin, chúng ta phải phát huy truyền thống tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh của người Việt để nghiên cứu, sản xuất, chủ động được nguồn vắc xin, nhất là khi vi rút có thể tiếp tục biến chủng.

Ưu tiên tối đa cho các chuyến bay chở vắc xin

Cục Hàng không Việt Nam ngày 7.6 có văn bản gửi các đơn vị yêu cầu tạo điều kiện tối đa cho những chuyến bay vận chuyển vắc xin Covid-19. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không khi tổ chức chuyến bay chở vắc xin ghi rõ trong đơn đề nghị xin phép bay. Các hãng quán triệt tổ lái khi làm thủ tục bay cần điền trong kế hoạch bay không lưu “RML/VACCINE” để cơ sở quản lý không lưu nhận dạng chuyến bay nhằm cho phép ưu tiên hạ cánh khi nhận được yêu cầu của tổ lái.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bố trí cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất; cho phép thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin để rút ngắn thời gian vận chuyển đảm bảo chất lượng vắc xin. Trong trường hợp đặc biệt, khi nhận được đề nghị của tổ lái chuyến bay vận chuyển vắc xin về việc bay tắt để rút ngắn thời gian bay đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cơ sở điều hành bay tạo điều kiện cho chuyến bay (nếu đảm bảo công tác hiệp đồng và an toàn bay)...
Mai Hà
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng để chủ động thực hiện chiến lược vắc xin, thì phải sản xuất được vắc xin trong nước, thực hiện bằng được chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệsản xuất vắc xin. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong nghiên cứu, thí điểm có thể có những rủi ro, nhưng nếu những người thực hiện không có động cơ xấu, không vì tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì Đảng, Nhà nước phải bảo vệ.
Về giải pháp, nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu trước tiên là phải tháo gỡ bằng được các vướng mắc về mặt pháp lý; huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công - tư là chủ đạo. Về con người, phải có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin. Đặc biệt, phải khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và lòng say mê nghiên cứu, duy trì điều này lâu dài, ổn định.

Tháo gỡ mọi vướng mắc về thể chế, cấp phép

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu rút ngắn thời gian thử nghiệm và đánh giá vắc xin, vừa thận trọng, bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với thực tiễn. Song song đó là nghiên cứu rút gọn quy trình cấp phép vắc xin trên cơ sở thực tiễn và khoa học, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, khách quan, chống tiêu cực; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, với sự hợp tác của người dân.
Thủ tướng giao Bộ Y tế báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vắc xin. Làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin trong thời gian tới. Bộ KH-CN đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin nói chung và vắc xin phòng, chống Covid-19 nói riêng; xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin.

Úc cam kết hỗ trợ VN 40 triệu AUD mua vắc xin

Chiều 7.6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Úc Tony Smith nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia và quan hệ nghị viện hai nước.
Tại hội đàm, ông Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc ở các cấp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, phấn đấu nhanh chóng nâng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều so với hiện nay; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, quân y, an ninh mạng, khoa học công nghệ…; ủng hộ việc tiếp cận vắc xin công bằng và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho các quốc gia khó khăn, trong đó có Việt Nam… Ông Tony Smith bày tỏ nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cho biết Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD để tiếp cận vắc xin Covid-19.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong đó, về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định quan điểm nhất quán của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982.
Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.