Nghiên cứu văn học sinh thái để báo động về khủng hoảng môi trường sinh thái

15/01/2022 20:38 GMT+7

Thông qua nghiên cứu về văn học sinh thái Nam Bộ, hội thảo quốc tế "Sinh thái và văn hóa Nam Bộ trong văn học Việt Nam" đã cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường sinh thái đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng hiện nay.

Ngày 15.1, Viện Văn học (Hà Nội) và Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) đã đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về văn học sinh thái có tên "Sinh thái và văn hóa Nam Bộ trong văn học Việt Nam". Đây là bước phát triển tiếp theo hội thảo quốc tế trước đây về đề tài "Phê bình sinh thái - tiếng nói bản địa tiếng nói toàn cầu" do Viện Văn học tổ chức năm 2017.

Hội thảo đã nhận được gần 80 tham luận của các nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước gửi đến cũng như phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo tổ chức trực tuyến tại hai đầu cầu Viện Văn học (Hà Nội) và Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM)

Theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng và đe dọa cuộc sống của tất cả mọi quốc gia, sự khủng hoảng môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về sự tồn vong của nhân loại. Hội thảo khoa học quốc tế này chính là bằng chứng cho thấy sự nhạy bén của giới nghiên cứu và giảng dạy văn học về những vấn đề cốt yếu liên quan đến phát triển bền vững; cảnh báo và thức tỉnh con người nhằm hướng tới một môi trường sống tốt đẹp, giàu tính nhân văn.

Học giả nước ngoài đánh giá cao về Nguyễn Ngọc Tư

Điều thú vị là trong hội thảo, nhiều học giả nước ngoài đã chia sẻ những nghiên cứu của mình về các nhà văn Việt Nam dưới góc nhìn văn học sinh thái. Trong tham luận "Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn học sinh thái", PGS. Hạ Lộ, Khoa Đông Nam Á, Học viện Ngoại ngữ ĐH Bắc Kinh và nhà nghiên cứu Dương Dương, Cục Cải cách và phát triển Huyện tự trị dân tộc Di và dân tộc Hà Nhì Ninh Nhĩ tỉnh Vân Nam, đã có những chia sẻ rất chi tiết và thú vị về các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Đáng chú ý là trong nghiên cứu của mình, hai học giả cho rằng Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, xã hội truyền thống vốn là xã hội nông nghiệp. Tuy nhiên, kể từ thời cận hiện đại, theo đà cải tạo môi trường của xã hội loài người cộng thêm chiến tranh liên miên, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi kinh thiên động địa. Trong hơn một thế kỷ qua, chiến tranh và biến động xã hội đã để lại cho Việt Nam muôn vàn thương tích. Từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa với mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế, có thêm sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ tiên tiến, công cuộc lợi dụng và cải tạo thiên nhiên của con người càng ở vào thế không thể cưỡng lại được. Vì vậy, Việt Nam cũng đã phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực do sự tàn phá đối với môi trường sinh thái.

Theo PGS Hạ Lộ và Dương Dương, nếu đọc kỹ các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta có thể nhận thấy rằng, truyện ngắn của cô đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Ngoài việc quan tâm đến những nhân vật dưới đáy trong đời sống xã hội Nam bộ, sở trường trong việc miêu tả hoàn cảnh sống, số phận cá nhân, tình yêu, nỗi hận cũng như niềm vui nỗi buồn của những “con người nhỏ bé”, trong truyện ngắn của mình, cô còn đặc biệt sở trường trong việc vạch rõ sự tàn phá môi trường sống của con người và khủng hoảng sinh thái do nó đem lại, từ đó gợi lên những suy ngẫm sâu sắc cho người đọc.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu phát biểu tại Hội thảo

Trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã không ngại vạch trần sự hủy hoại thiên nhiên của con người: “không con nào tàn phá gây hại như con người, đi tới đâu thiên nhiên lụn bại tới đó” (tác phẩm Khói trời lộng lẫy). Thông qua việc miêu tả những điều tai nghe mắt thấy của nhân vật chính Di trước sự “mất mát” của thiên nhiên, truyện ngắn Khói trời lộng lẫy đã chỉ trích sự tàn phá và tước đoạt của con người đối với thiên nhiên. Các tác phẩm khác như Cách đồng bất tận, Nước như nước mắt... của Nguyễn Ngọc Tư cũng phản ánh rõ điều này.

Theo hai học giả, là một nhà văn có tinh thần trách nhiệm xã hội, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ miêu tả những phong cảnh thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp mà đồng thời còn phê phán sự tàn phá, bóc lột tàn nhẫn của con người đối với thiên nhiên dưới sự dẫn dắt của “Thuyết con người là trung tâm”. Truyện ngắn của cô tìm tòi và vạch trần nguồn gốc xã hội của những thảm họa sinh thái, điều đó đã khiến truyện ngắn của cô mang đặc điểm của phê bình văn minh và phê bình văn hóa trong văn học sinh thái.

Thiên nhiên trong văn học Nam bộ như môi trường cộng sinh của con người!

Ở một hướng tiếp cận khác, PGS.TS La Khắc Hòa trong tham luận của mình đã sử dụng chất liệu từ tác phẩm của 5 nhà văn Nam Bộ gồm Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, và Nguyễn Ngọc Tư để bàn về văn học từ góc nhìn sinh thái. PGS.TS La Khắc Hòa đưa ra so sánh rằng trong khi văn chương phía Bắc mà đại biểu là Nguyễn Tuân tả thiên nhiên như những kỳ quan, cảnh quan, thì thiên nhiên trong văn chương Nam Bộ ở tác phẩm của 5 tác giả trên như môi trường cộng sinh của con người.

PGS.TS La Khắc Hòa cũng đưa ra 3 "định hướng" trong văn chương của 5 tác giả trên: định hướng hoạt động thực tiễn; định hướng đạo đức là thủy chung như nhất: ở đây là thủy chung với đất, với nước; và định hướng trong ngôn ngữ và sử dụng phương ngữ. Những đặc tính trong các tác phẩm của 5 tác giả trên cũng đã góp tiếng nói để báo động về môi trường sinh thái Nam Bộ.

Với những tham luận chất lượng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tại hội thảo quốc tế về văn học sinh thái lần này, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ là cơ hội để thúc đẩy phát triển của nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung ở Việt Nam, mà kết quả của nó là căn cứ học thuật để Viện Văn học và Trường ĐH Văn Lang trở thành địa chỉ kết nối các nghiên cứu văn học mới theo hướng liên ngành và hội nhập quốc tế. Dự kiến sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ chọn các tham luận có chất lượng để xuất bản Kỷ yếu Hội thảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.