Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977) là một nhà Hán học có uy tín, một học giả uyên thâm, đã dịch và chú thích các bộ sách: Việt sử thông giám Cương mục, Lịch triều tạp kỷ, Lê quý kỷ sự, An Nam chí lược, Đại Nam thực lục… Bút lực của Hoa Bằng thể hiện rõ nhất là trên mặt báo và tạp chí khoa học, như tập san Văn Sử Địa và tạp chí Nghiên cứu Lịch sử sau 1954. Trước Cách mạng Tháng 8, Hoa Bằng viết rất nhiều cho tuần báo Tân văn, báo Thế giới Tân văn (Sài Gòn), tạp chí Tri Tân và tạp chí Thanh Nghị (Hà Nội). Có thể thấy ngòi bút Hoa Bằng tung hoành trên mặt báo cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Một đặc điểm quan trọng trong cuộc đời ông, đó là với tầm hiểu biết của một nhà nghiên cứu lịch sử văn học, Hoa Bằng có nhiều bài đăng thường xuyên trên tạp chí Tri Tân, nhưng hồi ấy ông không chú tâm sưu tập in thành sách.
Nghiên cứu Văn học sử với Hoa Bằng qua tạp chí Tri Tân đã đưa Hoa Bằng trở lại với bạn đọc hôm nay trên tư cách một tác gia nghiên cứu văn học sử. Tiến sĩ Nguyễn Phúc An đã đặt viên đá đầu tiên trong việc nghiên cứu một tác gia riêng biệt trên tạp chí Tri Tân qua trước tác của chính họ.
Tiến sĩ Nguyễn Phúc An sinh năm 1984 tại Long Xuyên, tỉnh An Giang. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học quốc lập Thành Công - Đài Loan (NCKU) năm 2019, Nguyễn Phúc An thông thạo chữ Hán cổ nên anh có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu và hiệu đính các tài liệu về văn học sử Việt Nam. Tiến sĩ An là tác giả của nhiều công trình khảo cứu đã xuất bản: Đờn ca tài tử Nam bộ - Khảo & Luận; Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến và tác phẩm Cầm học tầm nguyên; Văn học Trung đại Việt Nam nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán...
Bình luận (0)