Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số lượng người mắc sa sút trí tuệ năm 2019 là 55 triệu người trên toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ đạt 78 triệu người vào năm 2030, và 139 triệu người vào năm 2050.
Chính vì vậy, VN cần có sự nghiên cứu và điều chỉnh về chính sách, dịch vụ để có thể chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ, đồng thời có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe của người bệnh sa sút trí tuệ, cũng như hỗ trợ người chăm sóc tại bệnh viện, cộng đồng.
Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ thành lập tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu những vấn đề về trí nhớ và sa sút trí tuệ, giúp hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh lý này. Cùng với đội ngũ nhân sự là những chuyên gia uy tín chuyên ngành thần kinh trong nước, trung tâm có sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của Mỹ.
Theo Bộ Y tế, tại VN, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong 2 thập niên qua. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của VN liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. VN đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên mức 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số.
Bình luận (0)