Theo South China Morning Post, thời gian người trẻ Hồng Kông dùng điện thoại đang tăng đột biến trong đại dịch. Cuộc khảo sát với 97 thanh niên từ 13-25 tuổi của Hiệp hội Sân chơi Hồng Kông (Hong Kong Playground Association) cho thấy giới trẻ dành trung bình 8 tiếng rưỡi mỗi ngày trên các ứng dụng di động, chủ yếu là mạng xã hội, game online, sau đó là tham gia các lớp học trực tuyến. Có những em dành cả 10 tiếng đồng hồ bấm điện thoại vì không thể đi chơi, gặp bạn bè hay đến trường.
|
Căng thẳng về tài chính, nỗi lo thất nghiệp cũng khiến người lớn sử dụng smartphone như một thú tiêu khiển. Trang Korea Biomedical Review đưa tin về cuộc khảo sát do Diễn đàn Cai nghiện Hàn Quốc (Korean Addiction Forum - KAF) thực hiện trên quy mô 1.017 người lớn nhằm tìm hiểu sự bùng phát của Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến hành vi của chúng ta. Có 44,3% người được khảo sát thừa nhận họ dùng điện thoại nhiều hơn trong đại dịch. Mục đích chính là "để tương tác với người khác". Trong số đó, 49% sử dụng mạng xã hội, 47,2% đọc tin tức, 34,6% mua sắm trực tuyến và 29% dùng điện thoại xem hình ảnh và video.
Tình trạng sức khỏe tâm thần bất ổn lại càng khiến những người này sa đà vào thế giới ảo nhiều hơn, tạo thành một vòng lặp không có điểm dừng. KAF đánh giá: "Kết quả cho thấy việc chuyển sang giãn cách xã hội làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm và lo âu, dẫn đến lạm dụng phương tiện kỹ thuật số và làm suy giảm sức khỏe tinh thần".
Không chỉ ở những nước Đông Á, người dân đến từ các nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị phụ thuộc vào smartphone trong mùa dịch. Chuyên gia mạng xã hội Deniz Unay chia sẻ với Anadolu Agency: "Một thực tế không thể chối cãi là sau khi đóng cửa các trường học, sự chuyển giao giáo dục sang phương tiện kỹ thuật số và hạn chế đời sống xã hội trong phạm vi gia đình đã khiến việc sử dụng Internet và mạng xã hội tăng lên ồ ạt". Nếu trẻ em học trực tuyến thì người lớn cũng phải làm việc từ xa trên thiết bị di động hoặc liên lạc với người thân thông qua Google Hangouts Meet, Zoom Cloud Meetings. Một nghiên cứu khác ở Ấn Độ cho thấy đại dịch khiến người dân ở đây dùng mạng xã hội nhiều hơn 87% so với thời gian bình thường. Deniz Unay cho biết: "Tình trạng này cũng tương tự Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi và nhiều quốc gia khác".
|
Tại các nước phương Tây, căn bệnh nghiện smartphone đã ở mức đáng báo động từ trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Theo Healthline, stress là một trong những “thủ phạm” chính đằng sau vấn nạn này. Ngày càng có nhiều người xem việc sử dụng điện thoại là biện pháp giải tỏa nhằm quên đi thực tại khắc nghiệt và smartphone trở thành một thứ “thuốc” gây nghiện tạm thời.
Tiến sĩ Lawrence Weinstein, Giám đốc y tế tại Trung tâm Cai nghiện Hoa Kỳ giải thích quá trình nghiện là một chuỗi những hành vi kích hoạt trung tâm “khen thưởng” của não bộ. Khi đó, não sẽ tiết ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine - một thứ “hormone hạnh phúc” khiến con người cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn dẫu chỉ trong phút chốc. Từ đó, con người sẽ thực hiện hành vi giúp bản thân tăng dopamine thường xuyên hơn để được trải nghiệm cảm giác tương tự. Việc lạm dụng smartphone cũng mang lại ảnh hưởng như thế.
Hiện nay ở nhiều quốc gia đã có các chương trình nâng cao ý thức về sử dụng thiết bị công nghệ, kêu gọi mọi người tự cắt giảm thời gian dùng điện thoại sao cho hợp lý, thậm chí Trung Quốc còn tổ chức những hoạt động hỗ trợ các bạn trẻ "cai nghiện" smartphone, hướng đến lối sống lành mạnh, năng động hơn.
Bình luận (0)