Ngỡ ngàng chùa gần 300 năm ở Chợ Lớn 'khoác áo mới' sau 10 năm trùng tu

29/08/2022 09:19 GMT+7

Sau 10 năm trùng tu với tổng kinh phí 29 tỉ đồng, chùa Ông Bổn hay còn biết đến với tên Hội quán Nhị Phủ (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM) gần 300 năm tuổi đã được khánh thành với diện mạo mới: khang trang và nhiều màu sắc hơn.

Ngày 28.8.2022, chùa Ông Bổn hay còn được biết đến với tên là Hội quán Nhị Phủ ở đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành tu sửa, tôn tạo sau 10 năm trùng tu. Ngôi chùa nằm giữa khu Chợ Lớn này chỉ còn 6 năm nữa là tròn 300 tuổi.

Hội quán Nhị Phủ được xây dựng vào năm 1728, đã trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, kéo dài suốt 10 năm với tổng kinh phí gần 29 tỉ đồng. Năm 2012, trước tình hình các kiến trúc và cơ sở hạ tầng của miếu Nhị Phủ - Hội quán Nhị Phủ xuống cấp trầm trọng, UBND TP.HCM đã cho phép tiến hành sửa chữa khẩn cấp chánh điện vì có nguy cơ bị đổ sụp do một số xà ngang bị cong, gãy và bị mối mọt phá hoại.

Ngôi chùa gần 300 năm tuổi của người Phước Kiến ở Chợ Lớn

lê nam

Hội quán Nhị Phủ được xây dựng bên bờ con rạch Chợ Lớn sau được lắp đi và đặt tên đường Khổng Tử, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông.

Khuôn viên hội quán rộng hơn 2.500 m2, phần sân chiếm 1/3 diện tích với cổng tam quan mới được làm vào năm 1990. Bên phải hội quán là Trường THCS Trần Bội Cơ, nguyên là Trường Trung học Phúc Kiến do Hội quán Nhị Phủ xây dựng. Chính bởi vậy, rất nhiều thế hệ trẻ là học sinh trường Trần Bội Cơ đã gắn bó và có nhiều kỷ niệm với ngôi chùa này.

Năm 1998, Hội quán Nhị Phủ Miếu vinh dự được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hội quán được khoác áo mới sau 10 năm trùng tu

lê nam

Các hạng mục kiến trúc lần lượt từ ngoài vào tiền điện – thiên tỉnh – chính điện – thiên tỉnh – hậu điện nằm trên một trục chính. Trục phụ hai bên là các gian thờ và trụ sở của Ban quản trị, được thiết kế hướng vào trục chính.

Tiếp sau tiền điện là sân thiên tỉnh. Từ thiên tỉnh băng ngang hành lang bên trái thì vào gian thờ Chúa Sinh Nương Nương, tức Kim Hoa Nương Nương, nữ thần phù hộ việc mang thai, sinh con đẻ cái.

Bên phải gian thờ Chúa Sinh Nương Nương là gian thờ Tề Thiên Đại Thánh, nhân vật trong truyện Tây Du Ký. Đối diện gian thờ Chúa Sinh Nương Nương, ở phía bên phải thiên tỉnh là gian thờ Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Công, Quan Vũ.

Không khí văn hóa đặc trưng của dân tộc Phước Kiến trong ngày khánh thành

Quốc trường

Trong ngày lễ khánh thành, người dân được thưởng thức văn hoá đặc trưng của dân tộc Phước Kiến tại Chợ Lớn như trình diễn múa hẩu, múa lân sư rồng, cổ nhạc Phước Kiến, đoàn cà kheo, bát tiên và thưởng thức món bánh đặc trưng của dân tộc như bánh quy, bánh cam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.