Sáng 26.8, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và đánh dấu 95 năm ra đời của bảo tàng đầu tiên khu vực phía nam Blanchard de la Brosse - một biểu tượng về ký ức Sài Gòn - Gia Định xưa, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khánh thành phòng trưng bày chuyên đề quy mô: Thương mại hàng hải - di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên Biển Đông, đồng thời ra mắt bộ nhận diện thương hiệu của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, thể hiện quan điểm "bảo tàng vì con người và phục vụ con người, là tương lai của truyền thống", và khai mạc triển lãm Cổ Đổng Kỳ quan - nơi hội tụ các nền văn hóa, mở cửa cùng lúc các "kho báu" di sản.
Gốm Trung Quốc thời Đường, thời Thanh
Năm 2019, tại vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu - Côn Đảo, ngư dân phát hiện và lặn vớt được nhiều đồ gốm có nguồn gốc từ Trung Quốc như gốm gia dụng men trắng lò Định (Hà Bắc), xanh lục của lò Việt (Chiết Giang), gốm tam thái Trường Sa (Hồ Nam) thời Đường niên đại thế kỷ 7 - 10. Những đồ gốm tương tự trước đây cũng được tìm thấy trên một con tàu chìm ngoài khơi đảo Belitung ở biển Java (Đông Nam Singapore) năm 1998. Xuất hiện tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM lần này không chỉ có đồ gốm từ thời Đường mà còn các đồ gốm gia dụng chén, đĩa, chậu, hũ men xanh trắng và men nhiều màu (sản xuất đầu thế kỷ 17) từ các lò gốm Sán Đầu (Quảng Đông) và Chương Châu (Phúc Kiến).
Số hiện vật là đồ gốm Chương Châu được trục vớt từ con tàu đắm ở Bình Thuận phát hiện lần đầu tiên năm 2001 cũng khá lớn, thường gọi là "gốm Swatow", thô nặng, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật không cao như gốm lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), phù hợp với các thị trường bình dân.
Từ việc trục vớt chiếc tàu đắm do ngư dân TT.Long Hải, H.Long Điền phát hiện năm 1990, tại vùng biển Hòn Cau (Côn Đảo) ngập sâu dưới cát biển tới 1 m và cách mặt nước 40 m, đã tìm thấy hơn 60.000 hiện vật, phần lớn là đồ gốm sứ Trung Quốc, được các nhà khảo cổ học xác định sản xuất tại các lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), Sán Đầu (Quảng Đông), Đức Hóa (Phúc Kiến) trên đường sang châu Âu. Ngoài lượng đồng tiền cổ được khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hai thỏi mực với dòng chữ Hán Canh Ngọ, cho biết niên đại chính xác con tàu đắm vào năm 1690, thời Khang Hy (nhà Thanh) cách nay hơn 300 năm. Đồ sứ này ngoài phong cách Trung Hoa truyền thống còn có nhiều sản phẩm được đặt hàng mang phong cách châu Âu.
"Kho báu" gốm Champa, gốm Chu Đậu của VN
Gốm Champa là những đồ gốm tráng men (đồ sành) do người Chăm sản xuất và được đặt theo tên của vương quốc Champa (thế kỷ 2 - 17) ở miền Trung VN. Gốm Champa cùng với gốm Đông Nam Á đã sớm tham gia con đường thương mại hàng hải trên Biển Đông. Gốm Champa tìm thấy tại Philippines vào cuối thế kỷ 13 và thường gắn liền với đồ gốm sứ của Đại Việt, Trung Quốc, Thái Lan cũng được giới thiệu tại trưng bày lần này.
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM Hoàng Anh Tuấn: "Gốm Champa khẳng định mối quan hệ thương mại giữa vương quốc Champa, Philippines và các tiểu quốc khác trong khu vực kéo dài từ thế kỷ 10. Sự suy giảm trong sản xuất và xuất khẩu đồ gốm sứ Champa bắt đầu sau sự sụp đổ của Vijaya, thủ đô của người Chăm vào năm 1471, dẫn đến sự kiện sáp nhập cuối cùng vào vương quốc Đại Việt".
Trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM lần này còn giới thiệu trên 240.000 cổ vật thu được từ tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) khai quật từ năm 1997 - 2000, với nhiều loại hình phong phú, trang trí đẹp mắt, nhất là đồ gốm sản xuất tại Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội) nửa cuối thế kỷ 15. Gốm sứ trong tàu cổ chủ yếu là dòng gốm gia dụng và một vài loại sử dụng cho tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện vật phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với men màu, kiểu dáng, hoa văn phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm VN.
"Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, gốm mậu dịch VN và các nước Đông Nam Á đã tham gia tích cực vào thị trường thế giới. Trưng bày này là dịp để chúng ta nhìn lại những giá trị lịch sử quý báu, đồng thời cũng mở ra những hướng đi mới, góp thêm cái nhìn mới về di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại", ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Bình luận (0)