Làng Ngư Mỹ Thạnh là một làng ngư nghiệp nằm sát bên phá Tam Giang (xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Từ khi có dự án làng bích họa, nơi đây trở thành điểm đến hút khách vì sức hấp dẫn từ những bức tranh đầy màu sắc trên tường của nhiều hộ dân nơi đây.
Vào trung tuần tháng 7 qua, hơn 40 họa sĩ, tình nguyện viên của trường Đại học Nghệ thuật và trường ĐH Nông lâm - Đại học Huế trở lại làng Ngư Mỹ Thạnh để tân trang lại những bức tranh tường, vốn được thực hiện từ hơn 1 năm trước giờ đã bạc màu. Giữa nắng hè oi bức, người dân làng Ngư Mỹ Thạnh vẫn háo hức chào đón các họa sĩ và tình nguyện viên, trong đó có cả nghệ sĩ nước ngoài về làng để vẽ tranh.
|
|
Những bức tường nhà người dân, sau 2 ngày đã được tô điểm bằng những bức tranh nhiều màu sắc. Những bức bích họa nơi đây chủ yếu vẽ lại những khung cảnh nên thơ của làng quê ngư nghiệp từ con thuyền, chài lưới, nò sáo giăng mắc trên phá Tam Giang, cá tôm, sản vật của đầm phá… Đặc biệt, du khách khi bước vào ngôi làng với những bức tường nhà được tô điểm bởi hàng chục bức tranh tường cỡ lớn rất háo hức, thú vị để chụp ảnh lưu niệm.
|
|
Thay đổi nhận thức
Dự án cộng đồng làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng, trường ĐH Nông lâm - Đại học Huế, Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện. Dự án nhằm phát triển du lịch và áp dụng nghệ thuật công cộng, đại chúng để hướng đến ý thức bảo tồn tài nguyên dựa vào cộng đồng.
Ngoài hoạt động vẽ tranh để thu hút khách du lịch, dự án còn hướng đến giáo dục và tuyên truyền về tài nguyên môi trường nhằm hạn chế khai thác đánh bắt các loài thủy hải sản quý hiếm đối với ngư dân và khách du lịch khi đến tham quan.
Anh Dương Ngọc Phước (giảng viên trường ĐH Nông lâm - Đại học Huế, Phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh), người đưa ra ý tưởng hình thành làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh, chia sẻ: “Tôi đã có ý tưởng này khi tham gia các dự án bảo tồn thiên nhiên. Làng Ngư Mỹ Thạnh là một điểm đặc trưng về làng ngư nghiệp có thể phát triển du lịch tốt nên chúng tôi chọn nơi đây để thực hiện. Mong rằng vừa giúp làng nghề nơi đây phát triển, vừa bảo tồn được các loại thủy hải sản quý hiếm”.
“Những bức tranh thể hiện những ý nghĩa riêng, người dân ở đây có trách nhiệm bảo vệ những loài thủy hải sản. Thay vì công việc đánh bắt cá, một ngày ngư dân có thể làm ra được 300 nghìn đồng, thì chèo thuyền đón khách du lịch một ngày cũng có thể sẽ thu lại được mức tương đương. Đồng thời có thể giúp cho một số loài cá quý hiếm kéo dài thời gian sinh sống và sinh sản, tránh tình trạng nằm trong danh sách đỏ”, anh Phước cho biết thêm.
|
|
|
Hoạt động vẽ tranh này thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia và hiểu rõ được giá trị của vùng đầm phá. Ngoài ra khi tham quan chụp ảnh ở làng bích họa, khách du lịch còn được trải nghiệm đạp trìa, quan sát, tìm hiểu về cách nuôi và đánh bắt tôm cá ở đây (dở nò). Đến chiều, du khách có thể chèo thuyền SUP nhặt rác và chụp ảnh với hoàng hôn trên phá Tam Giang.
Với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực như thế này thì hy vọng trong thời gian tới, ngư dân làng Ngư Mỹ Thạnh sẽ có những thay đổi về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và có những bước chuyển về phát triển du lịch.
Ông Phan Văn Ty, Chủ tịch Chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh, cho biết từ khi có những bức họa trên tường, nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến. Người dân đã bắt đầu chuyển hướng sang các dịch vụ phục vụ du khách như chèo thuyền ngắm cảnh trên đầm phá, xem các hoạt động ngư nghiệp truyền thống của người dân, thưởng thức đặc sản đầm phá… “Cùng với hoạt động quảng bá tour du lịch cộng đồng, những bức tranh của làng bích họa cũng góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến với Ngư Mỹ Thạnh”, ông Ty chia sẻ.
Bình luận (0)