Bạn trẻ LGBT+ tham gia sự kiện thường niên dành cho cộng đồng “Thị trấn BUBU 2018” do Viện iSEE tổ chức tại Hà Nội |
VIỆN isee |
"Gia đình luôn cho rằng tôi bị 'bệnh'"
T.H.H., một người đồng tính nam, cho biết anh gặp nhiều khó khăn khi công khai xu hướng tính dục với gia đình. “Gia đình luôn cho rằng tôi bị 'bệnh' và cần phải điều trị tâm lý. Bố mẹ còn bảo tôi là đứa bất hiếu, chỉ biết bản thân mà không nghĩ cho gia đình. Vì bố mẹ cho rằng khi họ hàng, xã hội biết tôi đồng tính, họ sẽ có thái độ kỳ thị, khinh thường cả tôi và bố mẹ”, H. bùi ngùi.
Đỉnh điểm, H. cho biết gia đình đang cố tìm một trung tâm điều trị tâm lý và chi cả trăm triệu đồng để chữa “bệnh đồng tính” cho anh.
LGBT+ hoặc LGBTQ+ là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân).
Chung hoàn cảnh, Phạm Thái Dương (18 tuổi, học sinh Trường THPT Việt Bắc, Lạng Sơn) kể rằng từ khi biết em là người đồng tính, bố luôn chửi bới em thậm tệ. “Bố còn cho biết bố quen rất nhiều người có thể chữa ‘bệnh đồng tính’, chỉ cần em còn có ‘triệu chứng’ thì sẽ đưa đi ngay”, Dương xúc động.
Dương kể: "Sau khi dành nhiều thời gian tìm hiểu về LGBT+ và biết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, em đã thẳng thắn chia sẻ với bố thì bố nói việc này chỉ là hình thức vớ vẩn. “Bố còn gợi ý em quan hệ tình dục với phụ nữ để chữa bệnh”.
Là thành viên năng động thường tổ chức sự kiện cho các bạn LGBT+, Thạch Hải Đăng (21 tuổi, sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM) cũng từng tận mắt chứng kiến người anh quen biết bị gia đình xem là “bệnh hoạn” vì ăn mặc như con gái, tham dự một cuộc thi sắc đẹp dành cho cộng đồng LGBT+.
Vẫn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm
Ông Bùi Minh Đức, điều phối viên truyền thông của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) ở Hà Nội, cho hay, bất chấp những tiến bộ trong việc công nhận, bảo vệ sức khỏe người LGBT+ trên toàn thế giới, những liệu pháp chữa trị, việc xem LGBT+ là bệnh vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.
“Người LGBT+ thường xuyên là nạn nhân của việc ‘chữa trị’ nhằm giúp họ khỏi ‘bệnh’, từ bắt buộc thay đổi ngoại hình, ép đi gặp bác sĩ hoặc thầy cúng, ép dùng thuốc, ép kết hôn cho tới hiếp dâm để chữa trị”, ông Đức nói, cho biết thêm cứ 5 người LGBT+ thì có 1 người bị ép đi gặp bác sĩ sau khi tiết lộ danh tính.
Đại diện Viện iSEE nhận định: “Sự phân biệt đối xử và bạo lực đối với người LGBT+ dẫn đến những tổn thương về thể chất và tinh thần không thể bù đắp, góp phần làm tăng tỷ lệ người có ý định tự tử trong cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam”.
WHO Việt Nam khẳng định “không phải bệnh”
Gần đây, Viện iSEE đã có bức thư ngỏ có nội dung phản ánh tình trạng bệnh lý hóa người LGBT+ với 76.084 chữ ký ủng hộ kèm theo kiến nghị nhằm chấm dứt tình trạng này tại Việt Nam,
Phản hồi thư ngỏ, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, tiến sĩ Kidong Park hồi tháng 4 đã khẳng định WHO sẽ luôn đứng trên các quan điểm y học cập nhật nhất về việc không xem LGBT+ là bệnh hay rối loạn tâm lý.
Ông Park cũng nhấn mạnh rằng những nỗ lực nhằm “sửa chữa” hay “thay đổi” xu hướng tính dục của một người là thiếu cơ sở y khoa và không thể chấp nhận về mặt đạo đức, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền của người bị tác động.
“Giới chuyên môn đồng thuận rằng đồng tính là một phần của sự đa dạng tự nhiên về tính dục con người, và việc này không gây nên sự có hại nào đối với sức khỏe của họ hay của những người gần họ”, tiến sĩ Park nói và cho biết thêm WHO đang tổng hợp các bằng chứng về tác hại và mức độ của việc thực hành và sử dụng các liệu pháp “chữa trị” với người LGBT+ tại Việt Nam.
Cuối thư, người đứng đầu WHO tại Việt Nam cam kết tiếp tục làm việc với các bên liên quan trong lĩnh vực sức khỏe, từ nhà nước đến nhân viên y tế, bệnh nhân và cả cộng đồng để đảm bảo quyền và phẩm giá của từng cá nhân.
Trước đó, theo WHO và các hiệp hội ngành nghề tâm lý và tâm thần trên thế giới, LGBT+ hoàn toàn không phải là một bệnh lý. Vì thế, những phát biểu tiếp nối của WHO Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định rõ ràng rằng các hình thức “chữa bệnh” là sai trái và có thể để lại những tổn thương không thể khắc phục.
Bình luận (0)