9 nhóm đối tượng được tăng lương, phụ cấp
Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, sẽ có 9 nhóm đối tượng sẽ được tăng lương, phụ cấp.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức (được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, còn có cán bộ xã, phường, thị trấn - những người là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực HĐND, UBND, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ngoài nhóm đối tượng là cán bộ, công chức kể trên, còn có nhóm đối tượng là viên chức (theo quy định tại luật Viên chức 2010) cũng sẽ được tăng lương, phụ cấp theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Các nhóm đối tượng khác là: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể: Người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17.11.2000 và Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29.11.2018; Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 9.5, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ 1.7. Điểm đáng chú ý của Nghị định này là: cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được hưởng mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành). Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để: Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Bình luận (0)