Ngoại giao kinh tế phải tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025

21/12/2024 07:55 GMT+7

Chiều tối 20.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh 2 thành tựu liên quan đối ngoại trong năm 2024 là thu hút FDI và xuất nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt khoảng trên dưới 800 tỉ USD; thu hút vốn đầu tư FDI 11 tháng qua đạt hơn 31,4 tỉ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, đặc biệt giải ngân vốn FDI đạt 21,7 tỉ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua...

Ngoại giao kinh tế phải tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Ảnh: TTXViệt Nam

Theo Thủ tướng, năm 2025 phải đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tăng tốc, bứt phá hơn nữa, Hà Nội và TP.HCM phải xác định tăng trưởng lên tới 10%. Nếu chỉ tăng trưởng ở mức 6 - 7%/năm thì không đạt mục tiêu đề ra, dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Do đó, cần có các giải pháp, đề xuất tăng tốc, kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam; đồng thời nỗ lực thực hiện "3 thông": "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh".

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm coi trọng nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Song không thể đi làm thuê, trông chờ vào chuyển giao công nghệ mãi được, mà phải đột phá về thể chế, phải tiếp thu kinh nghiệm hay của nước ngoài... Trong bối cảnh hiện nay vừa phải tăng trưởng kinh tế vừa phải sắp xếp tinh gọn bộ máy, đây là việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm. Ngoại giao kinh tế là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, do đó Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy ký kết các khuôn khổ pháp lý; quan tâm đến chính sách visa để thông thoáng hơn, tăng cường kết nối doanh nghiệp của nước ta và nước sở tại.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, hợp tác kinh tế trở thành nội dung thiết yếu trong gần 60 hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo chủ chốt năm 2024, mang lại kết quả cụ thể với hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng mới cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Với Hàn Quốc, Việt Nam ký kết 9 văn kiện cấp Chính phủ về hợp tác năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn hợp tác và mở rộng đầu tư với Việt Nam như NVIDIA, Amkor, LG, Hyosung, Foxconn... Nhiều thị trường mới, còn nhiều dư địa, giàu tiềm năng được khai phá như khu vực Mỹ Latin với Chile, Argentina, Peru hay khu vực Trung Đông với Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.