'Ngoại giao thiên tai'

10/02/2023 09:33 GMT+7

Cứu hộ, cứu nạn là công việc hiện được ưu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong đó cộng đồng quốc tế đang sát cánh cùng hai nước để khắc phục hậu quả của trận động đất hôm 6.2.

Những thảm họa thiên nhiên như thế còn là bà đỡ cho sự ra đời của hình thức ngoại giao được gọi là "Ngoại giao thiên tai" hay "Ngoại giao thảm họa". Bản chất của nó là thông qua sự trợ giúp về cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp và hậu thuẫn khắc phục hậu quả để thể hiện thiện chí sẵn sàng cải thiện mối quan hệ song phương, tranh thủ đối tác để tháo gỡ những trắc trở tồn tại dai dẳng. EU và hai thành viên là Thụy Điển và Hy Lạp cũng như Israel đang thực thi hình thức ngoại giao này rất chủ động.

'Ngoại giao thiên tai' - Ảnh 1.

Một khu nhà bị sụp trong vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

REUTERS

Thổ Nhĩ Kỳ đang là chướng ngại vật với nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và sự chia cắt đảo Síp. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đối địch nhau rất quyết liệt. Mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ không được êm đẹp và EU luôn bị Thổ Nhĩ Kỳ gây khó dễ trong giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn. Tất cả các đối tác này đều đã rất nhanh chóng ngỏ ý trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra động đất. Đương nhiên, họ đồng thời tuyên bố sẵn sàng hậu thuẫn cả Syria nhưng không phải tất cả đều được Syria chấp nhận.

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Đau lòng ngóng tin thân nhân, cứu hộ vừa chậm vừa thiếu

"Ngoại giao thiên tai" như trên có thể là mục đích phụ bên cạnh mục đích chính là giúp đỡ nhân đạo, nhưng đồng thời cũng có thể là mục đích chính khi ngay từ đầu đã được chủ định nhằm vào hai mục tiêu là thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ và giúp đỡ nhân đạo. Vì hai khía cạnh ấy gắn liền với nhau nên loại ngoại giao này vừa dễ thành công lại vừa khó thành công. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.