Ngoại giao thời đại dịch

25/03/2020 06:00 GMT+7

Khi cả thế giới đang lo lắng về diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 thì cũng là lúc các quốc gia tìm tới những phương cách ngoại giao mới.

Covid-19 đến nay đã lan tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ ở hầu hết các khu vực trên toàn cầu. Đại dịch này đang ảnh hưởng toàn diện tới kinh tế, xã hội và chính sách của các quốc gia.

“Thương gửi từ Nga”

Đó là thông điệp được viết bằng ba thứ tiếng Anh, Nga, Ý kèm theo quốc kỳ hai nước Nga, Ý được vẽ thành hình trái tim trên chiếc xe tải quân sự hạ cách tại sân bay Pratica di Mare (Ý) cách đây vài ngày. Dòng yêu thương ấy được Nga gửi kèm các chuyên gia và trang thiết bị y tế đến hỗ trợ Ý trong cuộc chiến chống Covid-19, giữa lúc đại dịch đang gây thiệt hại nặng nề cho nước Ý. Theo Bộ Quốc phòng Nga, 100 người chia làm 8 đội y tế cơ động cùng nhiều công cụ chẩn đoán và chất khử trùng được huy động đến Ý ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Ý Enzo Vecciarelli đích thân tới sân bay Pratica di Mare để cảm ơn phái đoàn Nga đến giúp đỡ, theo Hãng RT.
Mặc dù việc hỗ trợ y tế khi có dịch bệnh không phải điều lạ nhưng các nhà quan sát đánh giá với cách làm này, Nga đã ghi điểm và kéo gần khoảng cách với quốc gia châu Âu. Đáng chú ý, động thái trên diễn ra sau khi các nước châu Âu được cho là không mấy hài lòng với quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó Mỹ cấm nhập cảnh đối với công dân các nước châu Âu mà không hề tham vấn hay thông báo trước. Thêm vào đó, ông Trump còn đổ lỗi cho EU không có biện pháp hạn chế đi lại từ Trung Quốc, dẫn đến những cụm lây nhiễm bùng phát ở Mỹ là do “những người trở về từ châu Âu”.
Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng tiến hành chiến dịch “ngoại giao Corona” ở châu Âu và nhiều nước khác. Trung Quốc nhanh chóng hỗ trợ Ý khẩu trang và chuyên gia y tế giữa lúc Madrid trách các quốc gia thành viên EU khác không hỗ trợ thiết bị để chống dịch. Với Tây Ban Nha, Trung Quốc chia sẻ thành tựu chống lại Covid-19 và ngỏ lời sẵn sàng xuất khẩu trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ. Hiện Ý và Tây Ban Nha là hai nước có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất ở châu Âu. Chuyên gia Natasha Kassam tại Viện Lowy (Úc) cho rằng việc các nước đang chật vật đối phó với Covid-19 lại là cơ hội cho Trung Quốc để tuyên truyền rằng Bắc Kinh giờ đây có thể giúp các nước khác, dù các nước đó có thể phát triển hơn.

Lá bài mặc cả

Trong khi đó, dịch bệnh lại đang trở thành lá bài mặc cả trong quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và Iran. Tại khu vực Trung Đông, Iran đang hứng chịu tác động nặng nề của đại dịch với hơn 1.800 ca tử vong, bao gồm cả những tướng lĩnh quân đội và quan chức cấp cao. Phân nửa nhân viên chính phủ Iran phải cách ly, làm việc tại nhà và đứng trước muôn vàn thách thức. Dù vậy, Iran vẫn khước từ lời ngỏ hỗ trợ dập dịch từ Mỹ. Tổng thống Hassan Rouhani ngày 23.3 “mặc cả” nếu Mỹ thật sự muốn viện trợ nhân đạo thì phải dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống lại nước này. Trước đó, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Iran dập dịch với điều kiện Tehran phải “đưa ra yêu cầu chính thức”.
Trong một cặp quan hệ khác đang tạm bị “lu mờ” bởi đại dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đích thân gửi thư cho Chủ tịch Kim Jong-un để ngỏ lời hỗ trợ CHDCND Triều Tiên chống đại dịch, dù đến nay Triều Tiên chưa xác nhận ca nhiễm Covid-19 nào. Rõ ràng quan hệ Mỹ - Triều năm qua rơi vào bế tắc và chưa ai dám chắc về tương lai của quá trình phi hạt nhân hóa. Triều Tiên vẫn liên tục thử vũ khí để đánh động Mỹ, trong khi Mỹ cũng không xuống nước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Một lần nữa, giữa đại dịch, phía Triều Tiên lại truyền đi thông điệp: “đối thoại chỉ có thể được khôi phục khi sự cân bằng được duy trì một cách tích cực và mang tính đạo đức, đồng thời công lý phải được đảm bảo giữa hai nước, không chỉ bởi những lá thư cá nhân giữa hai lãnh đạo”. Rõ ràng Bình Nhưỡng vẫn muốn mặc cả thêm với Washington.
Chiến lược của Tổng thống Trump
Trong một động thái được cho là có thể giúp Tổng thống Trump ghi điểm trong mùa dịch và xa hơn là chiến dịch tái tranh cử của mình, chủ nhân Nhà Trắng đã kêu gọi bảo vệ cộng đồng gốc Á. Ông tuyên bố trên Twitter: “Điều quan trọng là chúng ta nên bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á của chúng ta ở Mỹ và trên khắp thế giới. Họ là những người rất tốt và sự lây lan của vi rút không phải là thiếu sót của họ dưới bất kỳ hình thức nào… Họ đang cùng với chúng ta làm việc để loại bỏ vi rút đó”, Tổng thống Trump lý giải với phóng viên rằng ông không thích việc ai đó dùng những từ khó chịu với người Mỹ gốc Á và ông sẽ không để điều đó xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.