Ba điểm nổi bật trong chiến lược ngoại giao văn hóa
Đó là phát biểu của ông Bùi Thanh Sơn ngày 20.12, tại Hội nghị Ngoại giao văn hóa triển khai chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị |
bộ ngoại giao |
Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 có 3 điểm nổi bật chính: “Một là làm rõ được nội hàm của ngoại giao văn hóa, xác định nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là phục vụ 2 mục tiêu: đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa. Hai là xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp. Ba là cập nhật và cụ thể 5 nhiệm vụ trọng tâm: thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu, tiếp thu tinh hoa nhân loại”.
Tuy nhiên, ông Sơn cảnh báo nguy cơ bị xâm lăng và đồng hóa về văn hóa vì những mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa cùng tiêu cực từ mạng xã hội. Do đó, ông Sơn đề nghị ngành ngoại giao vận dụng công cụ văn hóa nào để quảng bá, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ra thế giới.
Ông Sơn cũng gợi ý rằng, ngoại giao văn hóa Việt Nam cũng phải làm sao để nhiều người dân trên thế giới biết đến, yêu thích và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu mang tên Việt Nam, từ đó hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Quảng bá văn hóa từ ẩm thực và mạng xã hội
Về ngoại giao văn hóa, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, lưu ý ẩm thực và các sản phẩm Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh mềm của ngoại giao Việt Nam.
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản |
Bộ ngoại giao |
“Trong quá trình đi các nơi, tôi luôn tìm các nhà hàng Việt Nam tại nước sở tại để xem cộng đồng sinh sống và xem văn hóa của ta tại nước sở tại như thế nào? Tôi luôn mời lãnh đạo tại nước sở tại đến nhà hàng Việt Nam tại đó ăn uống để quảng bá hình ảnh Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm Việt Nam hồi 2017, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời ăn mì Quảng. Sau đó, đi đến đâu, ông Abe đều nhắc tới mì Quảng. Ông Nam gọi đó là một điểm nhấn lớn trong công tác ngoại giao văn hóa.
Từ đó, ông Nam bày tỏ kỳ vọng các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ tăng cường phát triển những ngành hàng văn hóa từ đồ trang trí cho đến nhà hàng ăn uống, sản phẩm đặc sản của Việt Nam tại nước sở tại.
Toàn cảnh hội nghị |
bộ ngoại giao |
Mặt khác, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng đưa ra một số đề xuất về ứng dụng không gian mạng xã hội để đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Tập đoàn FPT, lưu ý hiện nay thế giới có 2,8 tỉ người đang dùng Facebook và 3,2 tỉ người dùng Twitter.
“Do đó, mạng xã hội không còn là ảo vì đa phần việc bán hàng và tìm kiếm thông tin đều tập trung ở trên các nền tảng này. Các doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng hỗ trợ Bộ Ngoại giao xây dựng ngôi nhà số, nơi ứng dụng những công nghệ mới nhất để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Tiến, trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh, các sự kiện văn hóa có thể được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, thậm chí thu hút được nhiều người trên thế giới tham dự hơn so với trực tiếp.
Bên cạnh đó, ông Tiến đề xuất tăng cường ứng dụng các công nghệ như 3D và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.
Bình luận (0)