Ngoại giao vũ khí Nga - Ấn trước thách thức mới

07/05/2020 09:00 GMT+7

Quan hệ đối tác mua bán vũ khí giúp Nga - Ấn Độ duy trì lịch sử hợp tác lâu dài trong bối cảnh có nhiều biến động.

Theo Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố hồi cuối tháng 4, Ấn Độ lần đầu tiên thay thế Nga trở thành nước chi tiêu quốc phòng nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc với tổng cộng 71,1 tỉ USD.

Quan hệ gập ghềnh

Mặc dù New Delhi nhiều năm qua luôn chi mạnh tay, nhưng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga sang Ấn Độ lại có lúc liên tục giảm. Theo SIPRI, Nga chỉ chiếm 58% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trong giai đoạn 2014 - 2018, trong khi con số này lên đến 76% ở giai đoạn 2009 - 2013.
Đầu năm 2018, Ấn Độ tuyên bố sẽ cùng phát triển máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 với Nga. Tuy nhiên sau đó, Ấn Độ đột ngột rút khỏi kế hoạch hợp tác vì cho rằng máy bay chiến đấu Su-57 quá đắt tiền, thiết kế cũ và hiệu suất không đáng tin cậy.
Vốn dĩ, Nga cũng như trước đây là Liên Xô đều từng đóng vai trò như điểm tựa cho an ninh quốc phòng của Ấn Độ hàng thập niên qua. Giai đoạn 1990 - 2000 khi Liên Xô tan rã, Ấn Độ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế. Vũ khí Mỹ có nhiều quy định khắt khe đối với người mua, trong khi binh sĩ Ấn Độ đã quen với vũ khí Liên Xô.
Ngoại giao vũ khí Nga - Ấn  trước thách thức mới
Ngoại giao vũ khí Nga - Ấn trước thách thức mới

Xe tăng T-90 do Nga phát triển đang chiếm đa số trong kho xe tăng của Ấn Độ (ảnh trên); Ấn Độ muốn mua thêm một loạt máy bay MiG-29 để thay thế cho phi đội MiG-21 sắp ngừng hoạt động

Ảnh: Angad Singh - Vitaly Kuzmin

Ấn Độ bắt đầu mở rộng nguồn cung quốc phòng sang Israel, châu Âu cũng như bắt tay vào phát triển các loại vũ khí của riêng mình thông qua sáng kiến “Make in India”. Tuy nhiên, đa phần vũ khí do Ấn Độ tự phát triển đều kém chất lượng và sớm lạc hậu, như xe tăng Arjun hay máy bay Tejas.
Tình trạng mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ giữa Ấn Độ và Nga diễn ra ảm đạm suốt nhiều năm được khắc phục nhờ ý tưởng hợp tác liên doanh. Cụ thể như thông qua các dự án tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos, sản xuất trực thăng Ka-226T hay súng trường AK-203 (biến thể của AK-47).
Trong bài bình luận trên diễn đàn nghiên cứu East Asia, PGS Pankaj Jha, thuộc Trường Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ), cho rằng nỗ lực tự nghiên cứu hoặc mời gọi liên doanh của Ấn Độ vẫn không thể giúp nước này thôi phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến mà Nga nắm giữ.

Nối lại quan hệ xưa

Trong bối cảnh như vậy, lại đứng trước những thách thức là Pakistan trên bộ và Trung Quốc cả trên biển lẫn trên bộ, Ấn Độ có dấu hiệu quay lại thắt chặt quan hệ mua bán vũ khí với Nga, nhất là khi Moscow cũng không còn tỏ vẻ quá thân thiết với Islamabad.
Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos và Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ đang khẩn trương lắp đặt các thiết bị hỗ trợ tàu vũ trụ do Nga phát triển và hỗ trợ đào tạo phi hành gia để chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ có người lái đầu tiên của Ấn Độ, theo Times of India.
Điển hình là hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Moscow vẫn được New Delhi đảm bảo trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, theo tờ The Economic Times. Hai bên đã ký hợp đồng 5 hệ thống S-400 trị giá hơn 5 tỉ USD, dự kiến hoàn tất năm 2025.
Hay theo trang Daylio, Ấn Độ đang thương lượng với Nga để bổ sung 3 tàu ngầm lớp Kilo, một phần trong kế hoạch xây dựng hạm đội 24 chiếc. Hạm đội tàu ngầm là mối quan tâm đặc biệt của Ấn Độ khi hải quân của Trung Quốc hoạt động mạnh hơn ở eo biển Malacca và vịnh Bengal.
Vào tháng 3, Ấn Độ quyết định mua thêm 400 xe tăng chiến đấu T-90S và một số máy bay chiến đấu MiG-29 từ Nga, theo tạp chí Military Watch. Số lượng xe tăng mới bổ sung vào kho vũ khí hơn 2.000 chiếc T-90 của Ấn Độ.
Thực tế, hai bên không chỉ được liên kết với nhau qua các hợp đồng vũ khí mà còn là hoạt động thương mại thông thường. Ấn Độ là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho hàng hóa Nga trong bối cảnh phương Tây áp lệnh trừng phạt. Ở chiều ngược lại, New Delhi cần Moscow để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cao với mức giá phải chăng. Nga cũng là thị trường lớn cho các ngành công nghiệp Ấn Độ như dược phẩm, sữa, thịt và hải sản đông lạnh.
Bên cạnh đó còn có các quan hệ đối ngoại, chính trị mà hai bên có thể cùng chia sẻ lợi ích. Tất cả giúp tạo ra tác động tương hỗ để mối quan hệ “ngoại giao vũ khí” Nga - Ấn hứa hẹn thêm nhiều cơ hội mới cho hai bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.