Ngoài phụ nữ và trẻ em, cần quan tâm nạn nhân mua bán người là nam giới

19/09/2024 17:30 GMT+7

Đây là ý kiến được luật sư Trương Thị Hòa đưa ra tại hội thảo góp ý dự án luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) ngày 19.9 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.

Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết đây là dự án luật rất quan trọng, có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Bên cạnh đó, luật sư Hòa đặc biệt quan tâm đến vấn đề mua bán nam giới để bóc lột sức lao động.

"Việc mua bán nam giới để đưa xuống thuyền ra biển bóc lột lao động là vấn đề mà các cấp cần quan tâm để bảo vệ nạn nhân. Bây giờ, mua bán người không chỉ lừa nạn nhân ra nước ngoài mà còn xuất hiện ngay trong nước, thủ đoạn bằng hình thức việc nhẹ lương cao. Trước đây, việc mua bán người diễn ra phổ biến với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, giờ đây còn có cả nam giới nên mới luật hóa thành định nghĩa mua bán người", luật sư này nhận định.

Ngoài ra, bà Hòa kiến nghị cần bổ sung việc tuyên truyền, phổ biến về hoạt động phòng, chống mua bán người đối với các gia đình có thân nhân là trẻ em, người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Ngoài phụ nữ và trẻ em, cần quan tâm nạn nhân mua bán người là nam giới- Ảnh 1.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo

ẢNH: THÚY LIỄU

"Mặc dù khoản 1 của Điều 2 trong dự án luật có định nghĩa rất dài, rất rộng, rất rõ về mua bán người là như thế nào, nhưng tôi kiến nghị nên bổ sung thêm định nghĩa mua bán người có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể… Việc bổ sung này nhằm tương thích với điều 119 bộ luật Dân sự 2015. Bên cạnh đó, tôi đề nghị bổ sung về quyền của nạn nhân là trẻ em, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự trong các vụ mua bán người", luật sư Hòa nêu ý kiến.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, luật sư Hòa đồng tình với quy định cấm mua bán bào thai để ngăn ngừa phát sinh việc mua bán người.

Ngoài phụ nữ và trẻ em, cần quan tâm nạn nhân mua bán người là nam giới- Ảnh 2.

Hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức

ẢNH: THÚY LIỄU

Hội thảo ghi nhận 6 lượt ý kiến của các đại biểu về việc góp ý bổ sung nhằm hoàn thiện dự thảo luật. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận đầy đủ các ý kiến phát biểu và báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2012, đến nay đã hơn 12 năm. Trong quá trình hội nhập, phát triển của đất nước, luật cần được sửa đổi, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.