Trong một phiên thảo luận đánh dấu kỷ niệm 25 năm gia nhập NATO của Ba Lan, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết binh sĩ NATO đã hiện diện tại Ukraine.
Trang tin RBC-Ukraine dẫn lời Ngoại trưởng Sikorski nói: "Binh sĩ của các nước NATO đã ở Ukraine và tôi muốn cảm ơn các nước đã chấp nhận rủi ro như vậy". Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ tên các nước này.
Giới chức NATO chưa lập tức bình luận về thông tin này.
Việc NATO sẽ - hoặc đã - triển khai quân ở Ukraine là đề tài bàn luận sôi nổi gần đây, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tháng 2 nói không loại trừ khả năng này. Ông Macron khi đó cho biết vấn đề chính là chưa có sự đồng thuận trong NATO.
Theo trang Politico, Pháp đang xây dựng một liên minh các nước sẵn sàng đưa quân sang Ukraine sau hơn 2 năm chiến sự. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne hôm 8.3 đã đến Lithuania để gặp gỡ những người đồng cấp tại khu vực Baltic và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Tại cuộc gặp, ông Sejourne nhấn mạnh: "Nga không phải là nước có quyền nói chúng ta nên giúp Ukraine như thế nào trong những tháng năm tới. Chúng ta là người quyết định việc đó".
Theo Politico, Ngoại trưởng Pháp Séjourné nhiều lần nhắc đến hoạt động rà phá bom mìn để nói rằng "có thể cử người đến [nhưng] không phải để chiến đấu".
Ba Lan ban đầu phản đối việc đưa quân đội NATO đến Ukraine, nhưng sau đó đã điều chỉnh lập trường đôi chút. Sau phát ngôn của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói Ba Lan không có ý định đưa quân sang nước láng giềng Ukraine. Theo ông Tusk, Warsaw nên tập trung hỗ trợ tối đa cho năng lực quân sự của Kyiv.
Tuy nhiên, đến ngày 8.3, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski lại cho rằng "sự hiện diện của lực lượng NATO tại Ukraine không phải là điều không thể tưởng tượng".
Lãnh đạo các nước trong khu vực Baltic như Lithuania, Latvia và Estonia bày tỏ sự ủng hộ cho việc đưa binh sĩ NATO đến Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước NATO ở châu Âu khác như Anh, Đức, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Tây Ban Nha và Ý đã phản đối.
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto trong một bài báo xuất bản hôm 10.3 nói Pháp và Ba Lan không thể phát ngôn thay cho cả khối NATO về vấn đề này. Bộ trưởng Crosetto cho rằng việc triển khai quân đội NATO đến Ukraine "đồng nghĩa với việc dấn thêm một bước leo thang từ một phía, sẽ chặn lối giải quyết bằng ngoại giao".
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài diễn văn toàn quốc mới đây khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine. Canada cũng nói sẵn sàng đưa quân đến nhưng chỉ để huấn luyện ở khu vực cách xa tiền tuyến.
Theo tờ Politico dẫn lại nhận định của giáo sư Phillips O'Brien về nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews (Scotland), phát biểu của Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski về khả năng hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine nằm trong xu hướng thay đổi lớn hơn nhằm đứng về phía quan điểm của Pháp.
Theo giáo sư O'Brien, vấn đề gửi lực lượng châu Âu đến giúp Ukraine luôn là một khả năng, và điều này càng thể hiện rõ hơn khi Mỹ rút lui về viện trợ. Ông nói: "Châu Âu hiện đối diện thế tiến thoái lưỡng nan kinh khủng: nếu không muốn nhìn Ukraine có khả năng cạn kiệt đạn dược thì phải bước vào và giúp đỡ một cách trực tiếp hơn"
Bình luận (0)